Fed tăng lãi suất, chứng khoán, giá vàng đồng loạt khởi sắc

(ĐTCK) Diễn biến của thị trường chứng khoán và thị trường vàng trong phiên thứ Tư là ví dụ điển hình cho việc “bán khi tin đồn và mua vào khi tin được công bố”.
Phố Wall tăng mạnh sau thông tin Fed tăng lãi suất như dự báo (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall tăng mạnh sau thông tin Fed tăng lãi suất như dự báo (Ảnh minh họa: AFP)

Trong cuộc họp báo diễn ra vào cuối giờ chiều ngày thứ Tư tức rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, Ủy ban Thị trường mở thuộc Fed (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 0,75 - 1%/năm. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed dưới thời Tổng thống Donald Trump và lần tăng thứ 2 trong vòng 3 tháng qua.

Lý giải lý do tăng lãi suất theo bà Yellen, là vì thị trường việc làm tăng trưởng ổn định và lạm phát cũng đang dần tiến về mức mục tiêu 2% mà cơ quan này đặt ra. Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra bất kỳ kế hoạch nào cho thấy sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới.

Mức tăng 25 điểm cơ bản cũng đúng như dự báo trước đó của giới phân tích và theo kế hoạch, Fed sẽ có 2 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay.

Chứng khoán Mỹ đã có 3 phiên lình xình khi giới đầu tư chờ đợi cuộc họp của Fed. Trong phiên thứ Tư, các chỉ số chính của phố Wall cũng lình xình sát mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch trước khi bứt phá mạnh vào nửa cuối phiên chiều khi thông tin Fed quyết định tăng lãi suất như dự báo được đưa ra.

Về thông tin kinh tế, theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ của Mỹ ghi nhận mức tăng thấp nhất trong 6 tháng trong tháng 2 và theo dự báo, GDP của Mỹ trong quý I/2017 sẽ tăng 0,8%.

Phố Wall tăng điểm còn nhờ sự phục hồi của giá dầu thô sau thông tin về kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước được công bố.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số Dow Jones tăng 112,73 điểm (+0,54%), lên 20.950,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,81 điểm (+0,84%), lên 2.385,26 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 43,23 điểm (+0,74%), lên 5.900,05 điểm.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng lấy lại đà tăng trong phiên thứ Tư sau phiên điều chỉnh trước đó nhờ sự phục hồi của giá dầu thô sau thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm. Dù vậy, đà tăng của các thị trường chứng khoán châu Âu nhẹ hơn chứng khoán Mỹ khi thị trường đóng cửa trước thời điểm cuộc họp của Fed kết thúc.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,79 điểm (+0,15%), lên 7.368,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,08 điểm (+0,18%), lên 11.009,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 11,22 điểm (+0,23%), lên 4.985,48 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á có phiên giảm điểm nhẹ thứ 2 liên tiếp với chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông khi nhóm cổ phiếu năng lượng tiếp tục trượt dốc theo đà giảm của giá dầu và các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì được đà tăng nhẹ khi giới đầu tư háo hức chờ đợi những tín hiệu tiếp theo từ buổi họp báo của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sau kỳ họp Quốc hội.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 32,12 điểm (-0,16%), xuống 19.577,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 35,10 điểm (-0,15%), xuống 23.792,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,43 điểm (+0,08%), lên 3.241,76 điểm.

Cũng giống chứng khoán, giá vàng duy trì đà lình xình theo hướng giảm dần trong các phiên vừa qua để chờ đợi cuộc họp của Fed. Trong phiên thứ Tư, giá kim loại quý này cũng lình xình trong suốt phiên Á-Âu và phần lớn phiên Mỹ trước khi nhảy vọt vào cuối phiên sau quyết định tăng lãi suất của Fed như dự báo được công bố. Diễn biến này là một ví dụ điển hình của câu nói “bán khi tin đồn và mua vào khi tin được công bố”. Trong 2 tuần qua, giá vàng đã liên tiếp giảm do giới đầu tư bán ra với dự báo Fed sẽ tăng lãi suất.

Kết thúc phiên 15/3, giá vàng giao ngay tăng 21,1 USD (+1,76%), lên 1.219,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 17 USD (+1,41%), lên 1.219,6 USD/ounce.

Theo dữ liệu vừa được công bố hôm thứ Tư của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ giảm 273.000 thùng so với dự báo sẽ tăng 3,7 triệu thùng của giới phân tích do sự sụt giảm trong lượng nhập khẩu. Nhập khẩu dầu thô của Mỹ giảm 565.000 thùng/ngày, xuống còn 6,69 triệu thùng/ngày trong tuần trước, mức thấp nhất trong tháng, chủ yếu do sự sụt giảm sản lượng nhập từ các nước OPEC.

Đây là tuần giảm đầu tiên trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ sau 9 tuần tăng liên tiếp trước đó.

Tuy nhiên, kho dầu tại trung tâm trung chuyển Cushing, Oklahoma vẫn tăng 2,13 triệu thùng.

Sau khi thông tin này được công bố, giá dầu thô đã trên đà giảm tiếp trên thị trường châu Á đã đảo chiều tăng mạnh sau đó.

Kết thúc phiên 15/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,24 USD/thùng (+2,6%), lên 48,96 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,16 USD (+2,28%), lên 52,08 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục