Giới đầu tư thấp thỏm đợi Fed

(ĐTCK) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp tháng kỳ vào thứ Ba và thứ Tư tuần này. Nhiều dự đoán cho rằng, Fed sẽ quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp này. Vì vậy, trong phiên giao dịch đầu tuần mới, giới đầu tư cả trên thị trường chứng khoán, cũng như vàng đều tỏ ra rất thận trọng.
Giới đầu tư thấp thỏm đợi Fed

Chứng khoán Mỹ dao động ở biên độ hẹp trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào thứ Ba và thứ Tư tuần này. Trong phiên đầu tuần, trong khi S&P 500 và Nasdaq có được mức tăng nhẹ, thì Dow Jones lại đóng cửa dưới tham chiếu.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Dow Jones giảm 21,50 điểm (-0,10%), xuống 20.881,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,87 điểm (+0,04%), lên 2.373,47 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 14,06 điểm (+0,24%), lên 5.875,78 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực duy trì đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần mới nhờ thông tin về các thương vụ mua bán, sáp nhập. Tuy nhiên, cũng giống phố Wall, đà tăng của chứng khoán châu Âu không mạnh do giới đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Fed.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 24 điểm (+0,33%), lên 7.367,08 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 26,85 điểm (+0,22%), lên 11.990,03 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 6,28 điểm (+0,13%), lên 4.999,60 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 3 liên tiếp sau 4 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó, lên mức cao nhất 15 tháng. Tuy nhiên, mức tăng trong phiên đầu tuần mới rất khiêm tốn khi nhóm cổ phiếu xuất khẩu giảm do đồng yên tăng giá.

Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng vọt trong phiên thứ Hai, lên mức cao nhất 2 tuần nhờ nhóm cổ phiếu của các công ty đại lục niêm yết trên sàn này tăng vọt sau khi các quan chức hàng đầu của Trung Quốc thể hiện sự tin tưởng vào sức mạnh của kinh tế nước này.

Tương tự, chứng khoán Trung Quốc cũng phục hồi mạnh trở lại trong phiên đầu tuần mới sau 3 phiên giảm liên tiếp với mức tăng trong ngày lớn nhất trong 3 tuần do tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 29,14 điểm (+0,15%), lên 19.633,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 261 điểm (+1,11%), lên 23.829,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 24,26 điểm (+0,76%), lên 3.237,02 điểm.

Cũng tương tự chứng khoán, thị trường vàng cũng khá yên ắng trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp diễn ra vào thứ Ba và thứ Tư của Fed.

Kết thúc phiên 13/3, giá vàng giao ngay giảm 0,8 USD (-0,07%), xuống 1.203,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 1,4 USD (-0,12%), xuống 1.203,1 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm nhẹ trong phiên đầu tuần mới sau 1 tuần lao dốc trước đó, xuống mức thấp nhất 3 tháng. Giá dầu thô liên tục sụt giảm khi thông tin về kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh. Thong tin mới nhất cũng cho thấy, sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.  Các chuyên gia dầu mỏ hàng đầu của Nga Rosneft cảnh báo rằng, sự tăng mạnh mẽ trong sản lượng của Mỹ có thể ngăn cản cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC, cũng như các nhà sản xuất lớn khác và châm ngòi cho một cuộc chiến giá mới.

Kết thúc phiên 13/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,09 USD/thùng (-0,19%), xuống 48,40 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,02 USD (-0,04%), xuống 51,35 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục