Tiền số pháp định, xu thế tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tương lai không xa, nhiều nước sẽ dần dần thay thế đồng tiền pháp định bằng đồng tiền số do các ngân hàng trung ương phát hành. Việt Nam, với hạ tầng Internet có độ phủ cao cũng nên sớm nghiên cứu phát hành đồng tiền số pháp định riêng của mình.
Tiền số thường chỉ được tiếp cận bằng máy tính hoặc điện thoại di động Tiền số thường chỉ được tiếp cận bằng máy tính hoặc điện thoại di động

Thế giới đang sôi động với công cuộc chuyển đổi số, mọi thông tin dữ liệu kể cả các tri thức và quá trình vận hành hệ thống đang dần được chuyển đổi thành các dữ liệu số. Trong dòng chảy đó, giá trị cốt lõi của nền kinh tế các quốc gia là tiền tệ cũng không đứng ngoài cuộc. Tiền pháp định cũng phải chuyển đổi thành tiền pháp định số. Cuộc chạy đua phát hành tiền số của các ngân hàng trung ương đang diễn ra mạnh mẽ. Cho đến nay, có đến 80 nước đã, đang và có kế hoạch triển khai thí điểm tiền số pháp định.

Hiện trạng phát triển tiền số pháp định trên thế giới

Kể từ khi tiền mã hoá (Cryptocurrency), cụ thể là Bitcoin xuất hiện từ năm 2008 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã thôi thúc ngân hàng trung ương nhiều nước tiến hành nghiên cứu thử nghiệm tiền số trong thực tiễn. Hiện tại, có 75 quốc gia đã và đang nghiên cứu thử nghiệm tiền số pháp định. Ecuador triển khai thí điểm tiền số pháp định sớm nhất trên thế giới (trong giai đoạn 2014 - 2018), tuy nhiên, dự án đã dừng do chưa đạt được số lượng người dùng như kỳ vọng.

Ngân hàng Anh năm 2015 đã đề cập đến việc triển khai tiền số pháp định dựa trên công nghệ Blockchain. Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển đã đề xuất phát hành đồng e-korona vào tháng 11/2016 và bắt đầu chứng minh tính khả thi vào năm 2020. Tháng 11/2017, Ngân hàng Trung ương Uruguay công bố và tiến hành thử nghiệm đồng tiền số pháp định Pesos.

Tháng 10/2020, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố bản báo cáo về việc đề xuất đồng Euro điện tử và tiến hành thử nghiệm để đến giữa năm 2021 sẽ ra quyết định phát hành hay không đồng tiền điện tử chung này.

Trung Quốc từ năm 2014 đã có kế hoạch phát triển đồng tiền số pháp định là Nhân dân tệ điện tử. Tháng 4/2020, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm đồng Nhân dân tệ điện tử tại thành phố Thâm Quyến, Thành Đô và Tô Châu. Chính quyền các thành phố này đã phân phối một số lượng Nhân dân tệ trị giá hàng triệu USD thông qua hình thức xổ số.

Trung Quốc còn có dự định sử dụng đồng tiền số này trong Olympic mùa Đông năm 2022.

TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện CIST

TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện CIST

Phân biệt tiền số, tiền ảo, tiền mã hoá

Tiền tệ là phương tiện để trao đổi giá trị, nó có các chức năng như là phương tiện thanh toán, trao đổi giá trị, phương tiện lưu trữ giá trị, thước đo giá trị.

Có hai loại tiền là tiền bản vị giá trị như vàng, bạc và tiền pháp định (fiat money). Tiền pháp định là tiền do chính phủ, cụ thể là ngân hàng trung ương phát hành, nó không có giá trị nội tại (bản vị) và không có giá trị sử dụng. Giá trị của tiền pháp định do chính phủ duy trì và khi trao đổi giữa các đối tượng, nó được đồng ý với mức giá trị như vậy. Tiền pháp định thường được phát hành dưới dạng giấy (polymer) và xu kim loại.

Theo World Bank, hàng năm, số tiền giao dịch của cả thế giới là 75.000 tỷ USD, trong đó 85% đang thực hiện dưới dạng tiền mặt. Chi phí in ấn, bảo quản, vận chuyển tiền pháp định đang chiếm 2% GDP và hiện trên thế giới có khoảng 2 tỷ người vẫn đang giao dịch bằng tiền mặt và chưa có tài khoản ngân hàng.

Tiền số (digital currency) là một dạng tiền chỉ tồn tại ở dạng điện tử hoặc dạng số mà không tồn tại ở dạng vật lý, nó còn được gọi là digital money, electronic money, electronic currency, hoặc cyber cash. Tiền số thường chỉ được tiếp cận bằng máy tính hoặc điện thoại di động, vì nó chỉ tồn tại dạng dạng số, dạng điện tử. Tiền số thường không cần phải qua trung gian nên chi phí rẻ và thực hiện gần như trong thời gian thực mà không phải qua hệ thống bù trù (clearing houses).

Tiền ảo (virtual currency) cũng là một dạng tiền số nhưng thường không phải loại tiền do ngân hàng phát hành. Tiền ảo có hai dạng, tập trung và phân tán. Tiền ảo dạng phân tán và hoạt động dựa vào các thuật toán trong lĩnh vực mật mã (cryptography) còn dựa vào công nghệ chuỗi khối (Blockchain) thì được gọi là tiền mã hoá (cryptocurrency).

Tiền mã hoá thường không được kiểm soát bởi bên thứ ba, kể cả ngân hàng trung ương hay các chính phủ. Tiền mã hoá hiện là một thách thức đối với các trụ cột và vai trò của hệ thống tài chính truyền thống, khi đó, người dùng sẽ tự giao dịch mà không cần đến hệ thống tiền pháp định. Các đồng tiền mã hoá hiện nay đa phần không đáp ứng như cầu giao dịch lớn và có tốc độ chậm.

Tiền số pháp định (digital fiat currencies), còn được gọi là tiền số cơ sở (digital base money) hoặc tiền số của ngân hàng trung ương (central bank digital currencies - CBDC) là một dạng tiền số do các chính phủ phát hành.

Ưu việt và lợi ích của tiền số pháp định

- Tiết kiệm chi phí: Tiền số pháp định sẽ giảm được chi phí in ấn, phát hành, phân phối, vận chuyển, bảo vệ từ nơi này đến nơi khác. Tiền giấy có thể tồn tại trung bình khoảng 15 năm và xu kim loại là 30 năm, sau khoảng thời gian này, tiền truyền thống sẽ bị hỏng cần phải huỷ và in lại. Tiền số pháp định sẽ có chi phí khác, nhưng chi phí này sẽ nhỏ hơn các chi phí của tiền pháp định truyền thống rất nhiều lần.

- Tiền số pháp định được thực hiện giữa các đối tượng trong hệ thống tài chính: thanh toán, chuyển nhận, thu thuế sẽ thực hiện nhanh chóng và dễ dàng hơn.

- Có thể kiểm soát dòng tiền tốt hơn, có thể thực hiện được nhanh chóng tức thời, hạn chế được các giao dịch đen, rửa tiền và tài trợ khủng bố. Các chính sách tài chính cũng được điều chỉnh và thực hiện trong thời gian thực.

- Là công cụ hữu hiệu để phát triển tài chính toàn diện (financial inclusion), cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính (kể cả đối với những người chưa tiếp cận và có tài khoản trong hệ thống ngân hàng), góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.

Khó khăn và thách thức của tiền số pháp định

Tiền số pháp định là khái niệm mới mẻ và để triển khai được, chính phủ cần xây dựng hành lang pháp lý liên quan, quá trình này đòi hỏi khá nhiều thời gian.

Bảo vệ khách hàng, an toàn thông tin và tạo niềm tin cho người dùng cũng là thách thức không nhỏ. Người dùng có thể có lo ngại là chính phủ có thể xoá tài khoản hoặc đóng băng tiền số của họ.

Chi phí để chuyển đổi từ hệ thống tiền pháp định truyền thống sang tiền số pháp định cũng gây tốn kém và cần phải cân nhắc.

Tính tương tác giữa hệ thống tiền số pháp định và hệ thống tiền hiện hành cũng là một thách thức cần phải giải quyết, vì sẽ có một bước quá độ. Nếu chuyển ngay sang tiền số pháp định có thể dẫn đến sụp đổ của hệ thống ngân hàng truyền thống.

Tuy vậy, với nhiều ưu việt của đồng tiền số pháp định như giảm chi phí phát hành và vận hành, minh bạch hoá giao dịch, tăng kiểm soát chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, cũng như với khả năng áp dụng các công nghệ Fintech của tiền số pháp định, trong tương lai không xa, các nước lớn và các nước phát triển sẽ dần dần thay thế đồng tiền pháp định bằng đồng tiền số do các ngân hàng trung ương phát hành. Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, hạ tầng Internet có độ phủ cao cũng nên sớm nghiên cứu phát hành đồng tiền số pháp định riêng của mình và việc này phù hợp với chủ trương hạn chế giao dịch bằng tiền mặt theo đúng tinh thần của Quyết định số 2545/QĐ-TTg năm 2016 và Chỉ thị số 22/CT-TTg đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ.

TS. Đặng Minh Tuấn, nguyên là Đại tá, Phó giám đốc Trung tâm An toàn thông tin, Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Quốc phòng; Phó giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về an toàn thông tin.

Hiện ông là Trưởng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trưởng Tiểu ban Kỹ thuật tại Tiểu ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/JTC1/SC 35, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Vietfintec, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện CIST
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục