"Tiền điện tử càng tồn tại lâu, chúng càng trở nên mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn do hiệu ứng mạng (Network effect). Một khi chúng ta thấy một số ổn định về biến động giá, việc sử dụng tiền điện tử để trao đổi hàng hóa và dịch vụ có thể tăng lên", báo cáo của Deutsche Bank cho biết.
Deutsche Bank cho biết điều này có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào việc triển khai các CBDC và các yếu tố khác như quy định, tác động môi trường, các vấn đề an ninh và tốc độ giao dịch.
Trong khi hầu hết các Ngân hàng Trung ương lớn đang xem xét khả năng tung ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ, thì Trung Quốc và Thụy Điển là hai trong số ít những quốc gia đã bắt đầu thử nghiệm. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hiện vẫn chưa quyết định có tung ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ hay không.
Deutsche Bank lập luận rằng các Ngân hàng Trung ương càng mất nhiều thời gian để triển khai các loại tiền kỹ thuật số thì các loại tiền điện tử hiện có sẽ phải tự thiết lập phạm vi rộng hơn.
Hầu hết các CBDC vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển và điều này có thể còn mất nhiều thời gian nhưng sẽ có tác động đáng kể khi việc sử dụng CBDC trở thành xu hướng chủ đạo.
"Việc giới thiệu rộng rãi CBDC đi kèm với quy định cao hơn về tiền điện tử có thể tạo ra một môi trường thách thức hơn cho tiền điện tử vì một số (nhưng không phải tất cả) lợi thế của tiền điện tử so với tài sản tài chính truyền thống sẽ mất dần trong dài hạn", báo cáo kết luận.
Deutsche Bank cho biết sự khác biệt chính giữa tiền điện tử và CBDC bao gồm mức độ tập trung, quy định, giám sát, mã hóa và tính minh bạch.
“Niềm tin của tôi là các chính phủ và những người hiểu biết về kỹ thuật số hơn cuối cùng có thể thích sử dụng CBDC. Nếu điều này xảy ra, thì các loại tiền điện tử thành công hơn có khả năng ngày càng trở nên khác biệt về mô hình hoạt động và tính tiện ích", Christian Nolting, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Deutsche Bank nhấn mạnh một con đường tiềm năng trong tương lai cho các khoản đầu tư tiền điện tử.
Báo cáo cũng kêu gọi nhà đầu tư thận trọng đối với việc xem tiền điện tử tương đương với vàng về tính đa dạng hóa và quản trị rủi ro. Deutsche Bank cho biết sự biến động cao và tính thanh khoản thấp của tiền điện tử là những mối quan tâm chính.
Mặc dù vậy, việc kết hợp tài sản tiền điện tử vào các phương tiện đầu tư hiện có như các quỹ ETF có thể thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức hơn vào lĩnh vực này vì nó giúp đầu tư dễ dàng hơn.