Tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 4/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tham dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tham dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Với tinh thần là chuyển đổi số một cách toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, Thủ tướng cho rằng, ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong tiến trình đó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tham quan Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tham quan Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng

Số liệu của Vụ Thanh toán, NHNN cho thấy, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).

Có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) (tính đến tháng 6/2022); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025; nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Minh chứng phần nào cho những thành công này, chia sẻ tại bài thuyết trình trước lãnh đạo Chính phủ, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nói: “Hiện tại, TPBank phục vụ gần 100% thị phần người sử dụng ví điện tử tại Việt Nam, là đơn vị ngân hàng kết nối nhiều ví điện tử nhất toàn ngành. TPBank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên có hệ sinh thái đa dạng, để đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng. Không những vậy, TPBank cũng là một trong những Ngân hàng TMCP sớm được lựa chọn để cung cấp dịch vụ chuyên thu ngân sách Nhà nước, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp”.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng thuyết trình về hệ sinh thái số của Ngân hàng tại Sự kiện Ngày Chuyển đổi số

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng thuyết trình về hệ sinh thái số của Ngân hàng tại Sự kiện Ngày Chuyển đổi số

Với tốc độ xây dựng hệ sinh thái số một cách thần tốc, TPBank nhanh chóng đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng: Số lượng khách hàng mới qua kênh số tăng trưởng 50%-60% hàng năm, đóng góp hơn 60% số lượng khách hàng mới của toàn Ngân hàng. Số lượng giao dịch qua kênh số chiếm đến 95% tổng số lượng giao dịch của Ngân hàng - cao nhất toàn ngành, và đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 150% so với năm trước đó.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, NHNN và toàn ngành ngân hàng đã nhận thức rõ và chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong vấn đề này nhằm chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số, đạt nhiều kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

“NHNN cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Thủ tướng nói.

Phát biểu tại sự kiện, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ từ các Bộ, ban ngành liên quan cùng với sự chủ động tích cực của toàn ngành với tinh thần lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số trên các mặt: kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn; Công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện

“Để triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...”, Thống đốc nói.

Thời gian tới NHNN sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng.

Thứ hai, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng của NHNN.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử…

Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, các đơn vị tiêu biểu gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, Nam Á, Napas đã tham gia trình diễn demo công nghệ như mở tài khoản, phát hành thẻ eKYC trên cơ sở kết nối M.O.C với CCCD gắn chíp hoặc kết nối, sử dụng tài khoản định danh xác thực điện tử, thanh toán bằng mã QR...

Về lĩnh vực thanh toán, Napas đã giới thiệu tại sự kiện tiêu chuẩn VietQR và phương thức thanh toán/ chuyển tiền bằng mã VietQR do Napas phối hợp các ngân hàng triển khai. Việc ra mắt tiêu chuẩn VietQR tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở của mã QR do NHNN ban hành và tiêu chuẩn thanh toán QR của EMV Co. mang ý nghĩa tạo sự liên thông và đồng bộ của hạ tầng thanh toán qua QR code trong lãnh thổ Việt Nam, cũng như mở rộng liên kết thanh toán quốc tế.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục