Tiền gửi tiết kiệm dân cư giảm nhẹ do tác động của dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Do tác động của làn sóng thứ 2 dịch Covid-19, lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhẹ sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 vào đầu tháng 8/2020, khiến nguồn tiền gửi tiết kiệm dân cư giảm nhẹ.
Tiền gửi tiết kiệm dân cư giảm nhẹ do tác động của dịch Covid-19

Số liệu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM đưa ra cho thấy, tổng huy động vốn của các ngân hàng trong tháng 8/2020 dự ước tăng 0,38% so với tháng 7, lên hơn 2,663 triệu tỷ đồng, tăng 4,55% so với cuối năm 2019 và tăng 11,66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng ước đạt trên 2,38 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,68% so với cuối năm 2019 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn thành TP.HCM đang tăng nhanh hơn so với dư nợ cho vay.

Tuy nhiên, NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, bộ phận tiền gửi dân cư có dấu hiệu giảm nhẹ, trong khi tiền gửi thanh toán vẫn tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, phân loại theo hình thức tiền gửi 8 tháng đầu năm nay của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM cho thấy, tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân ước đạt 1,367 triệu tỷ đồng, chiếm 51,3% trong nguồn vốn huy động, tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 6,27% so với cuối năm 2019.

Tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư ước đạt 1,102 triệu tỷ đồng, chiếm 41,4% trong nguồn vốn huy động, tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 0,35% so với cuối năm 2019.

Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 194.000 tỷ đồng, chiếm 7,3% trong nguồn vốn huy động, tăng 1,53% so với tháng trước và tăng 19,44% so với cuối năm 2019.

Trước đó, NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, huy động vốn trên địa bàn đến cuối tháng 7/2020 nhìn chung duy trì tốc độ tăng trưởng, tăng 4,15% so với cuối năm 2019.

Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (huy động vốn 7 tháng đầu năm 2019 tăng 8,31%; 7 tháng đầu năm 2018 tăng 6,64% và huy động vốn 7 tháng đầu năm 2017 tăng 6,35%).

Trong đó, tháng 7/2020 tăng trưởng cao hơn so với những tháng đầu năm (tăng 0,78% so với cùng kỳ).

Vốn huy động bằng VND vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng huy động vốn của các ngân hàng, chiếm 87%.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, huy động vốn bằng VND tăng 4,09%. Trong khi đó, huy động vốn ngoại tệ tháng 7/2020 tăng 4,99% so với tháng trước và chỉ chiếm 13%.

Tuy nhiên, theo NHNN chi nhánh TP.HCM, bộ phận tiền gửi tiết kiệm dân cư tháng 7/2020 giảm nhẹ so với tháng trước đó, giảm 0,33%. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm bằng VND và ngoại tệ đều giảm nhẹ so với tháng trước.

Bộ phận tiền gửi thanh toán duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 5,85% và tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 51%. Bộ phận tiền gửi chiếm 42%. Bộ phận phát hành giấy tờ có giá chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, chiếm gần 7%.

Phát hành giấy tờ có giá duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 17,64%.

Kết quả trên theo NHNN chi nhánh TP.HCM, nhìn chung do dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong nước, tác động đến các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, từ đó cũng gây ảnh hưởng đến các hoạt động huy động và tín dụng của ngân hàng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục