Tiền chảy mạnh vào các thị trường sau khi Trung Quốc mở cửa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư đã rót số vốn kỷ lục 12,7 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu và quỹ đầu tư chứng khoán tại các thị trường mới nổi trong một tuần tính đến ngày 18/1, theo BofA Global Research. 
Tiền chảy mạnh vào các thị trường sau khi Trung Quốc mở cửa

Số liệu do BofA Global Research mới công bố cho thấy, các nhà đầu tư đã rót số vốn kỷ lục 12,7 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu và quỹ đầu tư chứng khoán tại các thị trường mới nổi trong một tuần tính đến ngày 18/1, sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đi lại nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Việc Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách đã thúc đẩy giá của nhiều loại tài sản, từ hàng hóa và cổ phiếu khai khoáng đến các đồng tiền cũng như các thị trường chứng khoán ở các điểm đến ưa thích của du khách.

Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong chốt phiên 20/1 ở mức cao kỷ lục hơn 6 tháng. Số liệu của BofA cũng cho thấy, số vốn đầu tư vào các quỹ trái phiếu là 14,4 tỷ USD, chứng khoán là 7,5 tỷ USD, tiền mặt là 0,6 tỷ USD và vàng là 0,6 tỷ USD.

Chứng khoán châu Âu chứng kiến dòng vốn chảy vào theo tuần lần đầu tiên trong gần một năm. BofA cho biết, có 0,2 tỷ USD vốn đầu tư được đổ vào các quỹ đầu tư chứng khoán châu Âu, lần đầu tiên trong 49 tuần.

Châu Âu được hưởng lợi từ cả việc Trung Quốc mở cửa cũng như việc giá khí đốt giảm gần đây. Tuy nhiên, các thị trường vẫn đối mặt với một số thách thức lớn, khi các ngân hàng trung ương đã gần đi đến kết thúc chu kỳ tăng lãi suất cũng như khả năng nền kinh tế hạ cánh cứng và căng thẳng chính trị tại Mỹ về trần nợ công.

Ngày 20/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, nước này có thể rơi vào suy thoái kinh tế, dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nếu không trả được nợ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen

Bình luận trên của bà Yellen được đưa ra khi Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu thực hiện "các biện pháp đặc biệt" trong tuần này để đảm bảo Chính phủ Mỹ không bị vỡ nợ. Các biện pháp này bao gồm việc tạm thời mua lại các khoản đầu tư hiện có và đình chỉ các khoản đầu tư mới của các Quỹ Hưu trí và Người khuyết tật, Quỹ Phúc lợi y tế hưu trí. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, những công cụ như vậy chỉ có thể giúp ích trong một thời gian ngắn, dự kiến không quá 6 tháng.

Việc không thể thực hiện các khoản thanh toán đến hạn, cho dù là cho trái chủ, người hưởng an sinh xã hội, hay quân đội, chắc chắn sẽ gây ra suy thoái trong nền kinh tế Mỹ và có thể gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các số liệu tài chính liên bang cho thấy khoản nợ của Chính phủ Mỹ đã tăng lên hơn 31.400 tỷ USD trong tuần này, vượt mức trần do Quốc hội nước này đặt ra trong lần tăng trần nợ công hơn một năm trước.

Quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ về cách xử lý vấn đề trần nợ công của chính phủ. Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nếu chính phủ vỡ nợ lần đầu vào cuối năm nay.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục