“Ngắn hạn nhìn tiểu tiết, dài hạn nhìn vĩ mô”
Câu nói trên thể hiện rất rõ ở thị trường chứng khoán, dù đầu tư theo phương pháp nào.
Đối với phân tích cơ bản, việc đánh giá một doanh nghiệp sẽ dựa trên bề dày lịch sử, cộng với kết quả kinh doanh hàng quý, hàng năm. Từ đó, nhà đầu tư có được góc nhìn đầu tư trung - dài hạn và hầu hết các quyết định mua - bán diễn ra khi biến số hàng quý, hàng năm thay đổi.
Còn đối với phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư có chiến lược lướt sóng, tần suất giao dịch nhiều sẽ chú ý đến tiểu tiết hơn, họ thường xem đồ thị giá cung 1 giờ, 1 ngày để tìm điểm mua - bán. Những nhà đầu tư ít giao dịch, có xu hướng nắm giữ trung và dài hạn, chủ yếu sử dụng đồ thị theo tuần hoặc tháng.
Đáng lưu ý, trên thị trường luôn có những “câu chuyện” có mức độ tác động lớn, kéo dài hàng tháng, tạo ra xu hướng chung, hoặc các đợt biến động mạnh. Và mỗi chu kỳ thị trường đi qua đều được kể một câu chuyện riêng để “hợp lý hóa” diễn biến tăng hay giảm giá đó. Câu chuyện ngắn hạn cũng có, dài hạn cũng có, giúp nhà đầu tư hình dung được bức tranh tổng thể của một chu kỳ đầu tư, thường là một năm, nhưng hầu hết đều bị động và không sử dụng đúng cách các câu chuyện trên thị trường.
Thông tin giúp định hướng dòng tiền năm 2023
Những “câu chuyện” nói riêng, thông tin nói chung liên quan đến thị trường chứng khoán sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư, cũng như dòng tiền trên thị trường. Vì thế, việc nắm bắt được dòng tiền đi về nhóm ngành nào, cổ phiếu nào sẽ giúp nhà đầu tư gia tăng xác suất thành công.
Thực tế cho thấy, sau mỗi nhịp tăng hay giảm mạnh, giới truyền thông đồng loạt đưa ra một “câu chuyện” để “hợp lý hóa” diễn biến đó. Đây cũng là cách làm thường thấy của các “nhà tạo lập” muốn điều hướng dòng tiền trên thị trường, đánh vào tâm lý muốn “tìm lý do” của nhà đầu tư, nhằm định hướng theo ý mà họ muốn.
Hiện có một số “câu chuyện” dự kiến sẽ trở thành chất xúc tác cho chiến lược đầu tư cổ phiếu năm 2023.
Trong 12 tháng, hay mỗi tháng, hoặc mỗi chu kỳ tăng/giảm giá của thị trường đều được kể một “câu chuyện”, đôi khi các câu chuyện này này sẽ được lặp đi lặp lại trong năm để định hướng dòng tiền. Chính vì vậy, việc làm chủ được các “câu chuyện” trong năm, tức hiểu hơn cách vận động của thị trường, sẽ giúp nhà đầu tư chủ động trong việc lên danh mục đầu tư, xác định được vùng thời gian thích hợp để giải ngân hay thoái vốn.
Năm 2023, dự kiến một số “câu chuyện” sau sẽ trở thành chất xúc tác cho chiến lược đầu tư cổ phiếu.
Thứ nhất, Trung Quốc từ bỏ chính sách “Zero-Covid”, mở cửa trở lại nền kinh tế từ ngày 8/1/2023. Theo đó, lượng cung hàng cho nền kinh tế thế giới sẽ nhiều hơn và áp lực về giá nhiều khả năng giảm đi, làm hạ nhiệt lạm phát do chi phí đẩy ở các nước châu Âu và Mỹ.
Đây là tin tốt cho bức tranh kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ khi có quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, nhất là về thương mại, du lịch, đầu tư.
Với thương mại song phương từ 2 nước liên tục tăng trưởng qua các năm, việc mở cửa này sẽ tạo tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán, hướng đến các ngành được kỳ vọng hưởng lợi như hàng không, thủy sản, bán lẻ, vật liệu xây dựng…
Thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc (Đơn vị: tỷ USD). |
Thứ hai, kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phê duyệt ngày 29/11/2022 tại Quyết định 1479/QĐ-TTg, trong đó thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp, thoái vốn 141 doanh nghiệp (bao gồm cổ phần hóa Agribank, thoái hết vốn tại Tổng công ty Viglacera - CTCP)...
Đây là động thái nhằm thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước sau nhiều năm chậm tiến độ sắp xếp lại, qua đó gián tiếp tạo động lực phát triển cho thị trường chứng khoán.
Thứ ba, nguồn vốn dành cho đầu tư công đạt kỷ lục, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023. Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm nay với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm ngoái và tăng khoảng 60% so với mức thực hiện năm ngoái.
Trong bối cảnh vĩ mô thế giới dự báo vẫn có nhiều bất ổn liên quan đến lạm phát, lãi suất, căng thẳng địa chính trị tại một số nước…, các mảng đóng góp chính vào GDP của Việt Nam như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu sẽ chịu tác động không nhỏ. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là yêu cầu bức thiết, nhằm tạo động lực cho nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn toàn cầu. Các dự án đầu tư công trọng điểm năm 2023 bao gồm Sân bay Long Thành giai đoạn 1, Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, Đường vành đai 3 TP.HCM, Đường vành đai 4 Hà Nội.
Thứ tư, Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, với nhiều chính sách mới, kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào ngành dầu khí, đồng thời bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác các mỏ dầu khí.
Đáng chú ý, ngày 28/11/2022, Bộ Công thương có Văn bản số 284/TB-BCT thông báo kết luận của Thứ trưởng Đặng Hoàng An về tình hình triển khai Chuỗi dự án khí - điện Lô B. Đây là chuỗi dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xem xét, thống nhất với nhà đầu tư thượng nguồn (MOECO,
PTTEP, PVEP) có Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) chậm nhất trong tháng 6/2023 và thời điểm dự án phát triển mỏ khí Lô B có dòng khí đầu tiên chậm nhất vào quý IV/2026; PVN cùng các nhà đầu tư trung nguồn (PV Gas, PTTEP, MOECO) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, đảm bảo đồng bộ tiến độ các dự án thượng nguồn và hạ nguồn…
Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong ngắn hạn, giá dầu có xu hướng giảm là yếu tố bất lợi, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023 thì bất kỳ tin tức nào liên quan đến việc hoàn thành FID cho dự án Lô B sẽ đóng vai trò quan trọng là chất xúc tác mạnh mẽ cho toàn ngành dầu khí.
Việc nắm bắt các “câu chuyện” lớn trong năm 2023 sẽ giúp nhà đầu tư làm chủ được chiến lược giải ngân và biết đặt sự tập trung vào nhóm ngành, cổ phiếu được hưởng lợi từ các câu chuyện này.