
1. Khương, một anh chàng độc thân gần 40 tuổi ở Hà Nội khoe, nhờ “trúng quả” từ thị trường tiền điện tử năm 2024, anh đã có thể tậu xe, mua nhà để chuẩn bị lấy vợ.
“Sáu năm theo đuổi thị trường tiền số, cuối cùng, tôi cũng đạt được mục tiêu của mình khi Bitcoin vượt 100.000 USD”, anh cười.
Anh Khương bắt đầu tìm hiểu về Bitcoin từ năm 2018, khi thấy đồng nghiệp có thể dễ dàng kiếm lời từ tiền điện tử. Ham mê cảm giác kiếm tiền nhanh đã tạo động lực để anh bắt đầu tìm hiểu và tham gia vào thị trường mới mẻ này.
“Lúc đó, Bitcoin mất giá thảm hại từ đỉnh 20.000 USD xuống còn 3.000 USD. Tôi dành thời gian nghiên cứu và nhận ra tiềm năng của công nghệ Blockchain", Khương nhớ lại.
Trải qua nhiều chu kỳ thị trường, từ cơn sốt NFT 2021 đến “mùa đông tiền số” 2022 khi Bitcoin rơi xuống 16.000 USD, Khương vẫn kiên định với kế hoạch đầu tư. Mỗi lần thị trường giảm sâu, anh lại tăng tỷ lệ tích lũy.
Theo anh Khương, năm 2024 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường tiền số với nhiều sự kiện quan trọng. Không chỉ vậy, năm 2024 cũng đánh dấu kỷ lục lịch sử của Bitcoin, đồng tiền điện tử có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, vượt qua cột mốc giá mang tính biểu tượng: 100.000 USD/Bitcoin.
Trước đó, việc Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) phê duyệt Quỹ ETF Bitcoin giao ngay vào tháng 1/2024 đã mở đường cho các “đại gia” Phố Wall như BlackRock, Fidelity tham gia thị trường.
Thị trường sôi động đến nỗi có không ít dự án tham gia, anh Khương đã lãi đến hàng trăm lần.
“Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với đợt tăng giá năm 2021. Khi các tổ chức tài chính lớn tham gia, họ mang theo cả khung pháp lý và quy trình quản trị rủi ro chuyên nghiệp”, Khương phân tích.
Thêm vào đó, việc Nga chính thức chấp nhận Bitcoin trong thanh toán quốc tế từ tháng 3/2024 và dự luật quản lý tài sản số FIT 21 được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 6/2024 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của thị trường. Sự tin tưởng và hậu thuẫn từ các tổ chức tài chính lớn đã tạo tiền đề giúp cho thị trường tiền điện tử trở nên sôi động hơn rất nhiều. Điều này đã tạo ra các trào lưu mới trên thị trường như token hóa tài sản thực (RWA), trí tuệ nhân tạo (AI) và không thể không nhắc tới meme coin nhờ sự hấp dẫn vô cùng lớn đối với dòng tiền mới.
Theo báo cáo từ CoinGecko, meme coin đã trở thành xu hướng đầu tư phổ biến nhất trong năm 2024 khi chiếm tới gần 31% tổng lượng quan tâm của nhà đầu tư toàn cầu. Đây là mức tăng đáng kể so với năm 2023, khi meme coin chỉ đứng thứ ba, với 8,32% thị phần.
Xu hướng meme coin trong năm qua không chỉ tập trung vào các tên quen thuộc như Dogecoin (DOGE) hay Pepe (PEPE), mà còn mở rộng sang nhiều chủ đề mới. Thị trường sôi động đến nỗi có không ít dự án tham gia, anh Khương đã lãi đến hàng trăm lần. Riêng Kekius Maximus, một đồng meme coin được tạo ra dựa trên tên nhân vật trong game của tỷ phú Elon Musk, đã giúp anh Khương kiếm được hàng nghìn USD chỉ từ số vốn 100 USD. Nguyên nhân là do Elon Musk bất ngờ đổi tài khoản X của mình thành Kekius Maximus đã thúc đẩy đồng Kekius Maximus tăng vọt hơn 1.000%, từ 0,011 lên hơn 0,1 USD/coin trong một ngày.
Ngoài lướt sóng ngắn hạn từ các meme coin, thu nhập của anh Khương còn đến từ đầu tư các đồng tiền điện tử dài hạn theo nghiên cứu và đánh giá cá nhân, còn lại anh sẽ kiếm tiền từ việc nhận “airdrop” từ các dự án chuẩn bị được triển khai trong tương lai. Người tham gia “cày airdrop” sẽ thực hiện các yêu cầu nhất định như đăng ký tài khoản, theo dõi các tài khoản mạng xã hội của dự án, chia sẻ thông tin về dự án đó trên các nền tảng của họ, hoặc mời bạn bè tham gia để đủ điều kiện nhận token miễn phí, từ đó, quy đổi ra tiền USD hoặc VND.
Dù đã đạt được một số thành quả nhất định, anh Khương vẫn đưa ra lời cảnh báo về những rủi ro khi tham gia thị trường tiền điện tử tại Việt Nam. Nếu không có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm qua ít nhất một chu kỳ của thị trường, nhà đầu tư rất dễ mất tiền. Trong trường hợp nhà đầu tư may mắn kiếm được lợi nhuận nhiều lần từ tiền vốn bỏ ra thì càng dễ bị lòng tham dẫn dụ, dẫn đến lu mờ lý trí và nhiều khả năng sẽ mất hết tất cả.
2. Những câu chuyện làm giàu nhanh từ tiền điện tử là thật, nhưng rủi ro mất trắng cũng rất thật.
Ngậm ngùi chia sẻ về câu chuyện bản thân, anh Nam, một nhân viên văn phòng kể: “Tôi từng nghĩ Bitcoin sẽ là cơ hội đổi đời. Nhưng thật không ngờ, giấc mơ làm giàu nhanh chóng lại biến thành cơn ác mộng. Số tiền hơn 1 tỷ đồng dành dụm sau nhiều năm của tôi đã bốc hơi chỉ trong vài tuần. Thấy giá tăng, tôi lao vào mua mà không hiểu rõ thị trường. Khi giá lao dốc, tôi hoảng loạn và vay thêm để cố gỡ gạc, nhưng càng gỡ càng lún sâu hơn. Chính sự nóng vội, thiếu hiểu biết và không giữ được bình tĩnh đã khiến tôi mất trắng. Đó là cú sốc khiến tôi mất ngủ, tự trách bản thân, thậm chí rơi vào khủng hoảng tâm lý”.
Theo thông tin từ Forbes, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người và hàng năm có khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa được đổ vào Việt Nam. Nhiều tổ chức tài chính lớn, trong đó có cả những sàn giao dịch lớn nhất trên thế giới đã thừa nhận Việt Nam đứng trong Top 4 thị trường giao dịch tiền số lớn nhất thế giới.
Dữ liệu được Cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A công bố giữa năm 2024 cho thấy, UAE đứng đầu thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền số của người dân, với 34,4%; Việt Nam đứng thứ hai, với tỷ lệ 21,2% dân số sở hữu tiền số, cao hơn Mỹ - ở vị trí thứ ba, với tỷ lệ 15,6%. Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam không công nhận tiền số và chưa có quy định về việc sử dụng tiền số hay bất cứ loại tài sản ảo nào thanh toán thay cho VND. Do đó, nếu xảy ra rủi ro, nhà đầu tư hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.
Theo các chuyên gia, việc thị trường tiền kỹ thuật số chưa được điều chỉnh bởi hành lang pháp lý khiến Nhà nước thất thu thuế, dòng tiền chảy vào nền kinh tế ngầm sinh ra nhiều hệ lụy. Khoảng trống pháp lý về tiền mã hóa khiến các nhà đầu tư gặp rủi ro đáng kể, bao gồm gian lận, thao túng thị trường và vi phạm an ninh.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong thập kỷ qua, công nghệ đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số, bao gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản và các ứng dụng phi tập trung (DeFi). Tài sản số không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu.
“Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới, đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng để giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư yên tâm phát triển, tránh được những vụ lừa đảo từ các đối tượng xấu trên không gian mạng”, ông Hưng nói.