Chia sẻ tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư cuối năm 2024” do Báo Đầu tư tổ chức, bà Lina Nguyễn, Giám đốc Phát Triển Kinh Doanh, Exness Investment Bank cho biết, theo khảo sát đối với các thị trường phát triển như Thuỵ Sỹ, Anh, Mỹ, các tổ chức tài chính/quỹ quản lý từ 1.000 tỷ USD trở lên, tại các thị trường lân cận như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) thì quản lý sức mua/mô hình quỹ từ 500 tỷ USD trở lên. Các định chế tài chính này sẽ đánh giá và liên tục phân bổ vào các danh mục tài chính mang lại lợi nhuận cao trong danh mục của mình. Họ luôn đánh giá và xem xét lại theo chu kỳ nhất định và thường nhìn xa hơn về 2025, hay tiếp theo nữa là 3 năm tới, 5 năm tới.
“Theo tôi nhìn nhận, ở thời điểm này, các tổ chức vẫn duy trì sự ưa chuộng với vàng vì các yếu tố như các chính sách lãi suất, giảm phát, tăng trưởng kinh tế gần cuối năm, địa chính trị, nhu cầu mua sắm, nhu cầu trang sức tại các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ… Vàng vẫn nằm trong nhóm tài sản an toàn và nằm đầu tiên trong danh mục các khoản đầu tư của họ.
Bên cạnh đó là các dòng cổ phiếu, chứng khoán, nhưng họ sẽ tập trung vào các cổ phiếu với vốn hoá lớn hơn, đặc biệt tại thời điểm này, khi AI, công nghệ, chip phát triển, nhóm nhà đầu tư lớn luôn giữ tâm thế giữ các mã cổ phiếu này", bà Lina Nguyễn cho biết.
Đáng chú ý, một diễn biến mới trên thị trường là nhóm định chế/nhà đầu tư tổ chức đã Họ chấp nhận khẩu vị rủi ro ở mức cao hơn để thực hiện đầu tư vào các tài sản mới, đó là tài sản số.
"Một diễn biến mới thể hiện sự năng động của dòng tiền tại thị trường bitcoin, đó là trong 1-2 tuần vừa qua, hơn 1.200 tỷ USD đã rót vào các quỹ ETF bitcoin. Ngày 23/7 vừa qua, Quỹ Ethereum ETF đã được Uỷ ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) đồng ý cho giao dịch. Theo đó, sự quan tâm của nhà đầu tư lớn với tài sản số sẽ còn tăng cao và dòng vốn rót vào các loại tài sản mới cũng gia tăng. Tiền số được xem là đã bước qua thời kỳ ngủ đông và các tín hiệu tích cực liên tục xuất hiện”, bà Lina Nguyễn cho biết.
Về phía nhà đầu tư cá nhân, bà Lina Nguyễn khẳng định, nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có sự quan tâm tương tự như nhóm nhà đầu tư tổ chức, tuy nhiên đa số đang do dự, dè chừng nhiều hơn, vì nhóm này thiếu các xác nhận, thiếu thông tin và sự trang bị kiến thức rủi ro.
Cùng chung quan điểm, TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Tài sản thực RWA Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII cho biết, số lượng nhà đầu tư Việt Nam trên thị trường tài sản số lên tới 20 triệu tài khoản, lớn hơn tương đối so với số lượng các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam và đang tăng lên rất nhanh. Đa số các nhà đầu tư trên thị trường này đều có tuổi đời rất là trẻ và tham gia với số vốn ít. Qua đây có thể thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường này rất lớn, trong khi thị trường truyền thống chưa đáp ứng được hết nhu cầu cũng như về sản phẩm mới để thu hút thêm các nhà đầu tư.
TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo |
"Xu hướng số hóa tài sản thật (Real World Asset - RWA) đang được nhiều Chính phủ trên thế giới cân nhắc. Nếu như Việt Nam có đi theo xu hướng đó thì có thể mở rộng được kênh huy động vốn rất lớn cho các doanh nghiệp bất động sản, trái phiếu… không chỉ trong nước mà còn trên toàn cầu", ông Khôi cho biết.