Nhiều nút thắt nâng hạng thị trường đang được tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo chia sẻ từ lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), công tác chuẩn bị cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025 đang diễn ra vô cùng sôi động.
Nhiều nút thắt nâng hạng thị trường đang được tháo gỡ

Tháo gỡ nút thắt nâng hạng thị trường

Nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 23/7, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch UBCK cho biết, về phía Bộ Tài chính, công tác chuẩn bị không hề trầm lắng mà diễn ra vô cùng sôi động. Hiện nay, UBCK cùng các thành viên thị trường và các ngân hàng lưu ký đang tích cực xây dựng các giải pháp, chuẩn bị nguồn lực, nhân lực, công nghệ, tài chính… để chuẩn bị cho việc thị trường nâng hạng, cũng như các giải pháp để nâng hạng.

Đến thời điểm hiện tại, tựu chung lại, giải pháp để vượt qua nút thắt lớn nhất là câu chuyện về pre-funding (ký quỹ trước khi giao dịch) đã được Bộ Tài chính thực hiện thông qua hoàn thành dự thảo bằng việc sửa 4 thông tư. Theo đó, dự thảo của thông tư này đã được lấy ý kiến của toàn bộ thành viên thị trường, các đối tượng chịu tác động, thậm chí là cả Ngân hàng Thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài… đăng trên website của UBCK, Bộ Tài chính.

"Vào thứ Sáu vừa qua (ngày 19/7), chúng tôi đã hoàn thiện bản dự thảo cuối cùng và đăng trên trang web bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để nhà đầu tư và các thành viên thị trường có thể thấy được. Nếu có thêm ý kiến đóng góp, bản dự thảo này sẽ có chính sửa trước khi UBCK trình ký ban hành", ông Hải thông tin thêm.

Đối với câu chuyện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và quyền tiếp cận bình đẳng thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, ở trong bản dự thảo thông tư mới đăng tải, cũng đã có những quy định mang tính chất bắt buộc và có lộ trình. Theo đó, đối với các công ty niêm yết sẽ phải đăng công bố thông tin đồng thời bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài thông tin định kỳ và bất thường ra, thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng sẽ được đăng song ngữ công khai trên các nền tảng đại chúng.

Về phía bộ ngành khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước..., đang tích cực triển các giải pháp có liên quan đến vấn đề như tháo gỡ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở tài khoản đầu tư vốn gián tiếp và rà soát lại việc công bố đầy đủ danh mục tỷ lệ sở hữu nước nước ngoài của các ngành nghề theo hướng công khai.

"Trong quá trình tiến hành các giải pháp, UBCK luôn trao đổi trực tiếp với nhà đầu tư và tổ chức quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi nhận được đánh giá tích cực của các nhà đầu tư có tham gia vào thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Phần lớn các giải pháp lớn đều đã nhận được sự đồng thuận. Còn những vấn đề đang được trao đổi hầu như liên quan đến tính kỹ thuật, liên quan đến mối quan hệ giữa nhà đầu tư, công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký", Phó Chủ tịch UBCKNN cho hay.

Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" do Báo Đầu tư tổ chức vào ngày 23/7.

Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" do Báo Đầu tư tổ chức vào ngày 23/7.

Mối quan hệ giữa tăng doanh nghiệp lớn niêm yết và nâng hạng thị trường

Trước thực trạng số lượng doanh nghiệp lớn niêm yết trên các sàn giao dịch HOSE và HNX giảm so với năm 2019, theo quan điểm của UBCK, sự tương quan giữa nhiều doanh nghiệp và nâng hạng thị trường là mối quan hệ hữu cơ.

"Nhiều doanh nghiệp lớn chưa niêm yết vì họ chưa nhìn thấy khối lượng nhà đầu tư có thể mua được phần vốn lớn của họ và họ không muốn tỷ lệ sở hữu bị dàn trải quá. Do đó, việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn niêm yết nhiều hơn cũng là giải pháp chúng tôi cố gắng để nâng hạng thị trường. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn bước vào thị trường khi nhìn thấy có nhiều doanh nghiệp lớn. Đây là mối quan hệ hai chiều", ông Hải phân tích.

Về mặt kỹ thuật, cũng có một câu chuyện nữa liên quan đến việc IPO và niêm yết. Hiện nay, quá trình IPO và niêm yết đang là 2 quá trình tách biệt. Do vậy, có thể có một số doanh nghiệp IPO xong rồi, khoảng thời gian nộp tiền mua cổ phiếu và niêm yết kéo dài. Việc doanh nghiệp sau IPO từ 3 tháng hoặc hơn nữa mà không niêm yết là rào cản rất lớn đối với các nhà đầu tư tài chính quốc tế. Thậm chí, một số các quỹ còn cấm giao dịch với các cổ phiếu chưa được niêm yết.

Để giải quyết việc này, UBCK đang rà soát lại các quy định về chứng khoán và Nghị định 55, để tích hợp 2 quy trình IPO và niêm yết thành 1 quy trình. Do vậy, sau khi sửa đổi các quy trình này, có thể nói, doanh nghiệp sẽ được niêm yết ngay và có thực chất sau khi IPO.

Hoàn toàn nhất trí với quan điểm của UBCK, bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược SSI cho rằng, nếu có thể kết hợp giữa 2 quy trình IPO và niêm yết thành 1 sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ tạo ra động lực cho các doanh nghiệp thực hiện niêm yết nhiều hơn.

Thực tế, có không ít doanh nghiệp lớn sau khi đăng ký giao dịch vẫn ở thị trường UPCoM nhiều năm qua mà chưa chuyển sàn. Theo bà Hằng, các quỹ nội địa tại Việt Nam chỉ dành 10% để đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 1 năm. Đây cũng là cách để các quỹ đầu tư tạo hệ số alpha (một chỉ số định lượng đo lường rủi ro) khi đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết. Nếu như sau 1 năm, các doanh nghiệp đó vẫn chưa niêm yết thì bắt buộc các quỹ phải bán ra chưa chắc họ đã tạo ra alpha, khi đấy còn ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư của quỹ.

Qui Ánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục