Có thể nói, cuộc hội nghị khẩn cấp này của Eurozone là tia hy vọng cuối cùng dành cho Hy Lạp, khi hạn chót trả nợ cho quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cận kề, người dân đổ xô rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng và các cuộc đàm phán nợ không đem lại kết quả.
Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng tài chính 19 nước Eurozone diễn ra hôm thứ Năm (18/6) tại Luxembourg đã thất bại trong việc đạt được thỏa thuận giải ngân khoản cứu trợ dành cho Hy Lạp. Hội nghị này diễn ra cách hạn trót Hy lạp phải trả nợ cho IMF chỉ 12 ngày.
Jeroen Dijsselboem, Chủ tịch Eurogroup cho biết: “Thật đáng tiếc, hầu như không hề có tiến triển nào. Không hề có thỏa thuận nào được ký”. Tại hội nghị này, bộ trưởng tài chính các nước châu Âu đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, đó là Hy Lạp đang nắm chìa khóa mở khóa gói cứu trợ, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của Hy Lạp.
Trong thời gian từ thứ 2 tới thứ 4 tuần trước, người dân Hy Lạp đã rút ra khỏi hệ thống ngân hàng nước này khoảng 2 tỷ euro, khi cuộc đàm phán nợ tại Brussels trước đó đổ vỡ. Con số này gấp đôi số tiền trong Gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) mà ECB hỗ trợ cho Hy Lạp. 2 tỷ euro được rút ra chỉ trong 3 ngày, chiếm khoảng 1,5% lượng tiền của các hộ gia đình và của các tập đoàn trong số khoảng 133,6 tỷ euro mà các ngân hàng tại Hy Lạp đang nắm giữ cho tới cuối tháng 4.
Tại cuộc họp của bộ trưởng tài chính các nước châu Âu, khi được hỏi liệu các ngân hàng của Hy Lạp có thể mở cửa vào ngày hôm nay hay không, thành viên hội đồng ECB Benoit Coeure trả lời rằng: “Ngày thứ Hai, tôi không biết”.
Trước đó, Hội đồng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã có buổi hội nghị đặc biệt qua điện thoại vào ngày thứ 6 (19/6), lần thứ 2 chỉ trong vòng 3 ngày, để cân nhắc việc bổ sung thêm gói thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, khi các nhà băng này đang nhanh chóng cạn kiệt bởi nguồn tiền đổ ra bên ngoài.
Trước tình hình trên, Thống đốc Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, ông đã triệu tập quan chức cấp cao tại các quốc gia trong khu vực trong buổi họp ngày hôm nay, nhằm thảo luận về vấn đề Hy Lạp “ở mức độ chính trị cao nhất”.
Trước động thái gấp gáp của châu Âu, Hy lạp cho biết sẽ đưa tới cuộc họp “bản dự thảo cơ bản” nhằm thể hiện sự sẵn sàng của quốc gia này đối với gói cứu trợ, theo lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis. Ông cũng cáo buộc các nước châu Âu đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm khi tiến gần tới việc chấp nhận “sự cố”, cho rằng họ đã từ chối thảo luận ý tưởng của ông về việc kìm hãm chi tiêu công cộng.
Ông Dijsselbloem cho biết, nếu có một thỏa thuận vào phút chót nào được đưa ra, họ có thể nới rộng thêm gói cứu trợ hiện tại, cho Hy Lạp thêm chút thời gian.
Hiện tại, quỹ tiền tệ quốc tế IMF không hề có động thái thể hiện sự khoan nhượng khi thời hạn Hy Lạp phải trả nợ đến gần. Ngày 30/6, quốc gia này sẽ phải trả 1,6 tỷ euro (1,8 tỷ USD) khoản nợ đến hạn.
Nếu người dân tiếp tục rút hết tiền mặt khỏi ngân hàng, vượt quá sự hỗ trợ của ELA, Hy Lạp có thể buộc phải thiết lập sự kiểm soát vốn, như Cộng hòa Síp đã thực hiện năm 2013, với các biện pháp giới hạn khắt khe khoản tiền được rút, cưỡng chế xóa bớt các khoản nợ, đánh thuế tiền gửi.
Trong tình hình rối ren hiện tại, Athens công bố báo cáo cho thấy doanh thu trong tháng 5 tiếp tục giảm 24,6%, bao gồm cả 50% thiếu hụt trong các khoản thu thuế. Bộ Tài chính cho biết, sự sụt giảm mạnh này chủ yếu là bởi tiền thuế của các công ty, vốn đang chịu thiệt hại nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế.
Thêm vào đó, việc Thủ tướng Tsipras có chuyến thăm Nga trong khoảng thời gian mà mối quan hệ giữa Nga và EU không lấy gì làm tốt đẹp, từ chối yêu cầu cắt giảm lương hưu, tăng thuế của các chủ nợ quốc tế khiến tình hình càng trở nên tệ hơn.
Từ phía Nga, xứ sở bạch dương này đã bác bỏ suy đoán rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ có kế hoạch giải cứu Hy Lạp. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga trả lời tờ Reuters rằng, không hề có yêu cầu hỗ trợ tiền từ phía Hy Lạp và Nga cũng không có nguồn tài chính chuẩn bị cho gói cứu trợ như vậy.