Bộ Công thương mới có Văn bản 735/ĐTĐL-GP lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá thuỷ điện tích năng (nhà máy thủy điện sử dụng hệ thống các hồ chứa ở các mức cao trình khác nhau để tích trữ năng lượng và phát điện).
Dự thảo Thông tư có 4 chương và 11 điều khoản. Điểm đặc biệt của khung giá nhà máy thủy điện tích năng là có thành phần giá biến đổi là thành phần để thu hồi chi phí tích trữ nước, được xác định theo sản lượng điện tiêu thụ trong chu kỳ tích trữ nước và đơn giá bán lẻ điện giờ thấp điểm áp dụng cho các ngành sản xuất theo quy định.
Theo đó, khung giá phát điện của nhà máy điện thủy điện tích năng là dải giá trị từ 0 (đồng/kWh) đến mức giá của nhà máy điện chuẩn. Mức giá của nhà máy điện chuẩn được xác định theo công thức: PNĐ = FC + FOMC + VC (đồng/kWh).
Trong đó, FC là giá cố định bình quân của nhà máy chuẩn bằng chi phí vốn đầu tư xây dựng nhà máy chuẩn chia cho điện năng bình quân năm tại điểm giao nhận; FOMC là giá vận hành và bảo dưỡng cố định của nhà máy điện chuẩn được tính bằng tổng chi phí vận hành và bảo dưỡng cố định của nhà máy chia cho điện năng giao nhận bình quân nhiều năm của nhà máy điện; VC là giá biến đổi của năm áp dụng khung giá của nhà máy điện chuẩn được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 7 Thông tư này (đồng/kWh).
Sau khi Thông tư quy định khung giá phát điện của nhà máy thủy điện tích năng được ban hành, các nhà máy thủy điện tích năng sẽ đàm phán giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Năm 2023, khung giá phát điện cho nhà máy thủy điện là từ 0 - 1.110 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng). Trong khi đó, khung giá trần phát điện cho nhà máy nhiệt điện than là 1.559,70 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Như vậy, mức giá trần của thuỷ điện năm qua thấp hơn điện than đến gần 29%.
Trước đó, ngày 15/05/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 500/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến ngày 01/4/2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 262/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Định hướng phát triển trong giai đoạn tới là khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn thủy điện, phát triển các thủy điện tích năng với quy mô khoảng 2.400 MW đến năm 2030 để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất và hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 31 Luật Điện lực (được sửa đổi, bổ sung) và khoản 1 Điều 24 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, Bộ Công Thương có trách nhiệm quy định phương pháp lập và thẩm định khung giá phát điện sau khi lấy ý kiến của Bộ Tài chính và tại khoản 4 Điều 29 Luật Điện lực (được sửa đổi bổ sung) quy định chính sách giá điện: “Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá… do Nhà nước quy định của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực”.
Căn cứ các quy định nêu trên, từ năm 2022 đến 2024, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành các quy định về khung giá phát điện và phương pháp xác định giá điện của tất cả các loại hình sản xuất điện hiện nay như nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió, nhà máy điện sản xuất từ chất thải rắn, sinh khối và sắp tới là thủy điện tích năng.
Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt khung giá cho nhà máy nhiệt điện sử dụng khí LNG năm 2024 mức giá bán cao nhất mà các dự án, nhà máy có thể áp dụng lên tới gần 2.600 đồng/kWh (gấp 2,3 lần mức giá trần năm 2023 của thuỷ điện).