Thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia có mối quan hệ rất chặt chẽ và mang tính tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh, sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của quốc gia. Ngược lại, khi thương hiệu quốc gia được nâng tầm trên thị trường quốc tế, sẽ tạo ra một sự bảo chứng về uy tín và chất lượng cho các doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mặc dù năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trước hết phải được tạo ra từ khả năng, thực lực của doanh nghiệp, nhưng không thể không kể đến sự đóng góp quan trọng của Chính phủ trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia.
Ngày 25/11/2003, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value), giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành thực hiện. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.
Qua 17 năm hình thành và phát triển, Chương trình Vietnam Value đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điển hình, trong 3 năm trở lại đây, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương |
Theo báo cáo đánh giá từ Brance Finance, năm 2020, thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng giá trị 29% lên 319 tỷ USD. Đây là mức tăng kỷ lục của thế giới. Trung bình 10 nước có giá trị thương hiệu hàng đầu thế giới đều bị sụt giảm do ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, còn các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines cũng đều bị tụt hạng. Đây là bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.
Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trong kỳ xét chọn lần thứ 7 năm 2020, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137.000 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471.000 lao động.
Các hoạt động xã hội của các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9.500 tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, đa số các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia đều triển khai các hoạt động chung tay cùng cộng đồng với số tiền và hiện vật quyên góp lên tới trên 80 tỷ đồng.
Thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia, Cục Xúc tiến thương mại, với vai trò là đơn vị đầu mối triển khai, đã và đang tích cực tuyên truyền phổ biến rộng rãi tới doanh nghiệp ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, cũng như tại thị trường nước ngoài với thương hiệu ngành hàng Foods of Vietnam. Cục đã mời các chuyên gia hàng đầu về thương hiệu đào tạo, phổ biến về bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng thực phẩm, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho ngành hàng thực phẩm tại các hội chợ triển lãm quốc tế. Những buổi hội thảo chuyên sâu về nâng cao năng lực thiết kế cho doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi mẫu mã để thu hút người tiêu dùng, từ đó cũng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tại thị trường nội địa, thông qua việc xây dựng Thương hiệu quốc gia, công tác tuyên truyền quảng bá cũng được thực hiện rất đa dạng và có độ phủ sóng rất cao, nhờ vậy mà thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, tăng tần suất phủ sóng và nâng cao độ nhận diện thương hiệu.
Bên cạnh thực hiện phát sóng các chuyên đề về Thương hiệu quốc gia trên các đài truyền hình lớn gồm Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình SCTV và Truyền hình VTC, Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Công Thương cũng sẽ thực hiện quảng bá trên các phương tiện truyền thông khác như Đài tiếng nói Việt Nam, báo giấy, báo điện tử.
Có thể nói, xây dựng Thương hiệu quốc gia là một công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia, là điều kiện cần thiết để các ngành, các doanh nghiệp và sản phẩm phát triển bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.