Theo đó, đại hội cũng nóng lên những chất vấn về tổng thù lao HĐQT, BKS, BĐH xoay quanh vấn đề tỷ lệ trích thưởng và trích dựa trên kết quả kinh doanh đạt được hay tổng chi phí của công ty.
Đa phần tờ trình phân phối lợi nhuận sau thuế của các DN đều có trích quỹ khen thưởng phúc lợi. Nhiều DN đề xuất thêm mục thưởng HĐQT, BKS, trong đó có những DN báo cáo chi tiết, minh bạch về vấn đề này. Chẳng hạn, tại CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM), lương, thưởng, thù lao và lợi ích khác được tách bạch thành từng cột rõ ràng, liệt kê chi tiết từng thành viên HĐQT, BKS nhận mức lương và thù lao và công bố luôn mức thưởng từng thành viên được trích từ quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Đối với CTCP SX-TM May Sài Gòn (GMC), trong tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2014, có hạng mục trích thù lao HĐQT và BKS là 2% lợi nhuận sau thuế. Ngoài ra, GMC đề xuất khen thưởng HĐQT, BKS và cán bộ chủ chốt khá chi tiết, bao gồm thưởng hoàn thành 4% tính trên lợi nhuận sau thuế (LNST); thưởng vượt kế hoạch lợi nhuận là 10%/phần vượt LNST, trong đó kê chi tiết tỷ lệ thưởng từng đối tượng... Tại CTCP Xây dựng Cotec (CTD), với mức thù lao 0,5% LNST cổ đông công ty mẹ, tương đương khoảng 2 tỷ đồng dành cho 10 thành viên HĐQT và BKS, DN này được cổ đông đánh giá là có mức thù lao thấp so với kết quả đạt được và các DN cùng ngành.
Có thể thấy, gần như các DN đều có chính sách thưởng HĐQT, BĐH, BKS trích từ LNST/phần vượt LNST. Đơn cử, CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) trích quỹ khen thưởng và phúc lợi hơn 9% LNST, thưởng HĐQT, BKS, BĐH tỷ lệ 1,33% LNST. Tại ĐHCĐ BMP, cổ đông đề xuất có thể ghi nhận khoản thưởng vào chi phí quản lý và bán hàng để giảm trừ thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT BMP cho rằng, lương thì dù Công ty lời hay lỗ vẫn là chi phí, còn phần thưởng thì phải đạt và vượt kế hoạch, tức là hiệu quả cuối cùng làm ra mới gọi là thưởng. Cách làm này vừa tạo động lực cho người lao động, vừa giúp cổ đông lợi hơn, vì lợi nhuận dành cho cổ đông sẽ có cơ hội cao hơn kế hoạch.
Bên cạnh những DN đề ra tiêu chí rất rõ ràng tỷ lệ trích thưởng thì vẫn có những DN chưa nêu bật được điều này. Gần đây nhất là trường hợp CTCP Thủy điện Miền Trung (CHP) đã phải rút tờ trình phát hành 3,5 triệu cổ phiếu ESOP do cổ đông phản đối kịch liệt. Cổ đông chất vấn đối tượng, tiêu chí phát hành và cho rằng, nếu chỉ phát hành cho HĐQT, BKS thì con số trên quá lớn, trong khi nhiều thành viên HĐQT, BKS từ trước đến nay chưa chứng minh được mức độ đóng góp hiệu quả cho Công ty.
Đối với trường hợp Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), theo tờ trình, tổng mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS Ngân hàng là 1,5%/tổng chi phí quản lý, hoạt động năm 2014. Trên cơ sở tổng mức thù lao được duyệt, HĐQT sẽ điều chỉnh mức thù lao, thưởng và các lợi ích khác đối với các thành viên. Điều này khiến cổ đông thấy bất hợp lý và cho rằng, nếu một ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, tức chi phí càng cao, thì theo cách tính trên thì thù lao HĐQT càng cao. Trong khi đó, đáng lý ra thù lao HĐQT, BKS phải được trích trên tổng lợi nhuận thu về hàng năm, vì công lao của mình tạo ra bao nhiêu thì hưởng, thưởng bấy nhiêu.
Ngoài thưởng bằng tiền mặt, NĐT cũng không khó để nhìn ra xu hướng năm nay chính là đề xuất phát hành cổ phiếu ESOP như tại REE, MWG, SKG, FPT, MSN, CII, SSI, HPG… Trường hợp “đáng nhớ” là MWG đề xuất với các mức hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 100%, 110% và 120% thì tỷ lệ thưởng mua cổ phiếu ESOP sẽ lần lượt là 3%, 4% và 5% LNST với mức giá 0 đồng. Tỷ lệ thưởng cao khiến MWG gặp phải nhiều ý kiến phản đối của cổ đông.
Tại ĐHCĐ của DN khác, nhiều cổ đông cho rằng, cách phát hành ESOP của các DN Việt Nam không giống các nước trên thế giới và về bản chất thì gần giống như trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi, tức thưởng thẳng cho CBCNV. Thông thường, các DN nước ngoài, BĐH sẽ được nhận quyền mua cổ phiếu với giá ưu đãi nếu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Vì lẽ đó, nhiều người lao động trở nên giàu có vì họ có thể thực hiện quyền sau 1-2 năm. Một vấn đề khác là các DN Việt chỉ đưa ra mức giá tối đa, không có mức giá tối thiểu khi phát hành ESOP, trong khi ở các nước khác, khi muốn phát hành thì phải có một phương án bình ổn giá trong thời gian phát hành, tức họ hạn chế khả năng bán ngay ở thời điểm phát hành.
TTCK Việt Nam còn non trẻ, nhưng những thông lệ tốt thì các DN VIệt Nam nên áp dụng, nếu không áp dụng được tất cả thì áp dụng từng phần, như vậy mới tạo được sự minh bạch, công bằng giữa cổ đông và CBCNV.