Tại ĐHCĐ năm nay, cổ đông CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC) bất ngờ khi Công ty có cuộc “thay máu” toàn bộ đội ngũ nhân sự cao cấp, kể cả Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Nguyên nhân thay đổi dàn lãnh đạo tại VietinbankSC chủ yếu là do định hướng của ngân hàng mẹ Vietinbank.
Trước đó, tại CTCK Bảo Việt (BVSC), cùng với sự thay đổi lãnh đạo cấp cao ở công ty mẹ là Tập đoàn Bảo Việt, BVSC thay đổi 3/5 thành viên HĐQT.
Bên cạnh sự thay đổi lãnh đạo cao cấp thì tại không ít CTCK, nhân sự ở các bộ phận môi giới, phân tích, tư vấn… có những diễn biến tăng giảm, thay thế, hoặc xê dịch khi chuyển từ CTCK này sang CTCK khác. Có CTCK hoán đổi các vị trí trưởng phòng ban cho phù hợp hơn, đồng thời là cách để công ty thay đổi “không khí”, nhằm mang lại hiệu suất làm việc, hiệu quả hoạt động cao hơn.
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một CTCK cho biết, so với các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, thì đội ngũ lãnh đạo ngành chứng khoán hầu hết có tuổi đời trẻ, có sự năng động, nhiệt tình. Tuy vậy, áp lực công việc trong ngành này rất lớn, do thị trường biến động nhanh và mạnh. Chính vì vậy, ở giai đoạn đầu, việc các CTCK thay đổi nhân sự liên tục cũng là điều dễ hiểu, có khi chưa đầy 1 năm tài chính, tổng giám đốc không đạt được các mục tiêu của công ty đã phải chấp nhận rời vị trí để dành cho người mới. Có CTCK trong 1 năm thay đổi 3 tổng giám đốc. Trong quá khứ, không ít CTCK hoạt động kém hiệu quả, buộc phải đóng cửa chi nhánh, chấm dứt nghiệp vụ môi giới, thậm chí ngừng hoạt động.
Sau một thời gian thanh lọc mạnh mẽ và có phần nghiệt ngã, đội ngũ lãnh đạo CTCK dần ổn định. Đối với các CTCK lớn, nhân sự cấp cao không có nhiều thay đổi trong vòng 3 năm trở lại đây.
Ông Phan Quốc Huỳnh, người đã từng kinh qua các vị trí: Tổng giám đốc CTCK Công thương, Phó tổng giám đốc CTCK Phố Wall, Phó giám đốc CTCK Ngân hàng Phương Nam và nay đang là Tổng giám đốc CTCK Sacombank cho biết, làm việc ở môi trường chứng khoán rất khắc nghiệt. Mỗi CTCK đặt ra những yêu cầu khác nhau cho người lãnh đạo, đòi hỏi người lãnh đạo phải am hiểu thị trường, có nhiều kinh nghiệm.
Theo ông Huỳnh, lãnh đạo CTCK không chỉ đơn giản là làm việc cho công ty, mà hoạt động của công ty có tác động không nhỏ đến thị trường, đến niềm tin của nhà đầu tư. Nếu lãnh đạo CTCK chỉ đóng vai trò “bù nhìn” với sự hậu thuẫn của cổ đông lớn, thì khó có thể thúc đẩy công ty phát triển, thậm chí làm cho công ty trở nên yếu kém.
Ông Huỳnh nhận định, trong năm nay hoặc năm tới, khi hoạt động tái cấu trúc CTCK được thực hiện quyết liệt hơn, sẽ có những cuộc hợp nhất, sáp nhập. Nhân sự khối CTCK sẽ có những xáo trộn nhất định, cả vị trí lãnh đạo lẫn nhân viên.
Tại ĐHCĐ mới đây, CTCK Phương Đông cho biết, định hướng của Công ty trong năm 2015 là tiếp tục tái cơ cấu đội ngũ nhân sự theo hướng một người có thể kiêm nhiều việc khác nhau để đáp ứng nhu cầu phát triển của Công ty.
Tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội nhận xét, sự thay đổi nhân sự ngành chứng khoán là tất yếu để phù hợp với từng giai đoạn, từng mảng nghiệp vụ. Cách đây vài ba năm, TTCK khó khăn, khối lượng giao dịch giảm, hầu hết CTCK thực hiện tinh giảm nhân sự, đồng thời giảm lương thưởng, nên nhiều người có xu hướng rời bỏ CTCK chuyển qua môi trường khác như ngân hàng, công ty tư vấn, hoặc “nhảy” sang công ty có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Hiện nay, TTCK bắt đầu sôi động trở lại, giá trị giao dịch giữ được mức ổn định xấp xỉ 3.000 tỷ đồng/phiên, chỉ số chứng khoán có xu hướng tăng trong trung và dài hạn, thị trường nhân sự ghi nhận sự dịch chuyển trở lại. Dù chưa trở thành xu hướng, nhưng nghề chứng khoán đang bắt đầu lấy lại được sức hấp dẫn của mình. Nhiều CTCK ra thông báo tuyển nhân sự, đặc biệt là đội ngũ môi giới.
Thực tế cho thấy, không chỉ kết quả kinh doanh của khối CTCK, mà nhân sự CTCK cũng biến động theo… chỉ số chứng khoán (Index).