Liệu khi cuộc chiến này ngày một gay gắt có dẫn đến khủng hoảng nhân sự tại VNM? Khi “trong không ấm”, liệu ban điều hành có mất động lực để cống hiến, giúp doanh nghiệp có được kết quả kinh doanh tốt nhất? Thực tế tại nhiều doanh nghiệp niêm yết đã cho thấy, trong giai đoạn bất ổn của doanh nghiệp, kết quả kinh doanh thường không đạt mức kỳ vọng và không phản ánh được hết tiềm năng mà doanh nghiệp có thể đạt được. Trong trường hợp của VNM, nếu mọi việc diễn biến không thuận lợi, cổ đông lớn nhất là Nhà nước hay nói đúng hơn ngân sách Nhà nước sẽ bị thiệt hại lớn nhất.
Trước đây, câu chuyện ồn ào của CTCP Tập đoàn Hoa Sen về việc cựu Tổng giám đốc Phạm Văn Trung gửi đơn kiện Hoa Sen về việc vu khống, bôi nhọ cá nhân ông ta trên các báo. Sau đó Hoa Sen kiện ngược lại vị cựu Tổng giám đốc này vì đã trục lợi cá nhân, làm việc không minh bạch, đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Trong trường hợp này thương hiệu của doanh nghiệp ít nhiều đã ít nhiều bị ảnh hưởng và nhân sự rõ ràng là câu chuyện đau đầu với các ông chủ DN.
Khủng hoảng nhân sự có thể xảy ra với bất kì doanh nghiệp nào với nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể do những ưu đãi đặc biệt mà các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra để có được nhân tài, hoặc đơn giản chỉ vì những lý do cỏn con như bất đồng quan điểm với sếp hay không hài lòng với môi trường làm việc… Khi xảy ra vấn đề này, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy: bộ máy điều hành xáo trộn, các bí mật kinh doanh có thể bị tiết lộ, hoạt động kinh doanh bị đình trệ... Nhiều doanh nghiệp đã phải có những hành động xử lý trước mắt, thậm chí phải thay đổi các quyết định kinh doanh để ổn định tình hình và giảm thiểu những thiệt hại gây ra.
Lâu nay, nhân sự luôn được coi là một trong những chìa khóa thành công của doanh nghiệp, gắn liền với yếu tố hoạt động hiệu quả của bất kỳ tổ chức nào. Những biến động của hệ thống này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng và duy trì chính sách nhân sự hiệu quả, tạo ra môi trường làm việc tốt luôn là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Nhìn một cách rộng hơn, các doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt, chiến lược nhân sự hợp lý, vững mạnh thường có bước phát triển nhanh và bền vững, đồng nghĩa với việc đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, đặc biệt tới đây thị trường lao động ASEAN sẽ mở cửa, tạo ra nhiều cơ hội luân chuyển lao động, nhất là giới chuyên gia giỏi trong các ngành nghề. Không chỉ cạnh tranh thu hút và giữ người tài trong nước, doanh nghiệp còn phải cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực có môi trường làm việc hiện đại, nhiều cơ hội thăng tiến, lương cao… Xu hướng đó đang đặt ra nhiều bài toán với các doanh nghiệp để có những giải pháp đi trước, chủ động ứng phó các tình huống có thể xảy ra.