Thêm hai lãnh đạo cấp cao của BBC, gồm Giám đốc tin tức Helen Boaden và cấp phó của bà, Stephen Mitchell, đã từ nhiệm hôm thứ Hai vừa qua. Trước đó, hôm thứ Bảy tuần trước, Tổng giám đốc BBC, George Entwistle đã từ chức chỉ sau 55 ngày tại vị và trở thành ông chủ có nhiệm kỳ ngắn nhất ở BBC.
Những cuộc ra đi rúng động ở cấp lãnh đạo của hãng tin hàng đầu thế giới này trở thành phát súng mở đầu cho một cuộc khủng hoảng lớn ở BBC sau 90 năm hoạt động và vươn tầm phủ sóng tới ít nhất 240 triệu người trên toàn thế giới mỗi tuần.
Các lãnh đạo kể trên phải từ chức vì BBC đã đưa tin sai về một cựu quan chức của Đảng Bảo Thủ lạm dụng tình dục trẻ em, mà sau đó hãng này đã phải rút thông tin này lại. Sau khi kiểm tra nội bộ, kết quả cho thấy: một nạn nhân trong chương trình đã cáo buộc một quan chức Đảng Bảo Thủ lạm dụng tình dục suốt nhiều năm trời, nhưng nạn nhân này sau đó nói rằng đã cáo buộc nhầm người.
Về phía BBC, những người thực hiện phóng sự đã không hề tìm phản hồi từ người bị cáo buộc. Vị quan chức này không được chỉ tên đích danh trong chương trình phát sóng trên truyền hình nhưng lại bị nêu tên rộng rãi trên internet sau đó.
“BBC đang sa vào một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Anh, Maria Miller phát biểu hôm thứ Hai.
BBC dính bê bối từ đầu tháng này, bắt đầu từ khi đối thủ của hãng là ITV phát sóng một tài liệu buộc tội cố ngôi sao truyền hình BBC Jimmy Savile đã sử dụng vị trí của mình để quấy rối tình dụng hàng loạt các thiếu nữ trong nhiều năm. Savile khi còn sống đã phủ nhận cáo buộc này và ông mất khi cảnh sát vẫn đang điều tra.
Sau đó, BBC gây sốc khi chương trình ăn khách hàng đầu Newsnight hôm 2/11 đã phát đi một phóng sự vá víu cáo buộc cựu quan chức Đảng Bảo Thủ. Bê bối này diễn ra ngay sau vụ Savile nhanh chóng khiến dư luận nghi vấn về nghiệp vụ báo chí hiện tại của BBC. Hồi tháng 9, Tổng giám đốc đương nhiệm khi đó là Mark Thompson đã phải ra đi vì dư luận cho rằng BBC đã ém nhẹm vụ Savile.
Nhiều người ngờ rằng, chính cuộc điều tra Savile ở BBC đã chiếm thời gian của các lãnh đạo BBC, khiến họ đã bỏ qua một vài khâu trong dây chuyền sản xuất và rồi đẩy BBC tới vụ bê bối Newsnight.
BBC cho biết, cả Boaden hay Mitchell đều không thực hiện bất cứ khâu nào trong phóng sự hôm 2/11, một phần vì họ khi đó đều đang bận hợp tác với cuộc điều tra nội bộ. Biên tập viên của “Newsnight” đã từ chức vào cuối tháng 10. Trong khi đó, Tổng giám đốc Entwistle nói rằng, ông không biết gì về phóng sự hôm 2/11 cho đến khi nó được phát sóng.
Quyền Tổng giám đốc BBC, General Tim Davie, trong một buổi phỏng vấn truyền hình hôm thứ Hai, nói rằng, BBC đã xác định rõ ai là người có trách nhiệm, ngoài ra, ông phát biểu rằng, “những người tôi giao trách nhiệm, tôi chắc chắn tin, và họ là những nhà báo rất, rất giỏi”.
Câu chuyện BBC trở thành vấn đề khủng hoảng về quản lý nhân sự: việc đẩy những lãnh đạo cao cấp ra ngoài lề quá nhanh có thể khiến cả tổ chức rơi vào khủng hoảng sau đó, khi tổ chức thiếu đi những bàn tay kinh nghiệm để giải quyết tình hình khi tổ chức cần.
Cả Boaden lẫn Mitchell đều từ chối bình luận. BBC cho biết, cả hai đều có ý định quay trở lại với nghề sau khi các cuộc điều tra kết thúc.
Trong khi đó, BBC đã bổ nhiệm Fran Unsworth, Trưởng bộ phận thu thập tin tức và Ceri Thomas, biên tập viên của chương trình phát thanh “Today” của BBC, để thay thế vị trí của Boaden và Mitchell. Hãng truyền thông này cũng bổ nhiệm Karen O’Connor làm quyền biên tập cho “Newsnight”.
Trước đó, BBC cho biết, Hãng sẽ phải trả cho Entwistle ít nhất 6 tháng lương theo đúng hợp đồng, và cuối cùng, hãng này đã quyết định trả cho ông phần lương của cả năm, tương đương 450.000 bảng Anh.