1. Tôi có mặt trong vài group (nhóm) của các chung cư mà thành viên trong gia đình sở hữu. Ngày nào mở mắt ra cũng thấy bao nhiêu là câu chuyện ở đó, đến mức cảm giác tiêu cực cứ lấn dần cuộc sống. Phát sợ lên.
Dù rất muốn theo dõi những tin tức trong tòa nhà, nhưng cuối cùng đành phải rời khỏi nhóm để khỏi thấy đời buồn chán quá.
Ai đó đưa con trẻ tè bậy trong thang máy. Ai đó say xỉn ói ngay ngoài cửa nhà hàng xóm. Rồi rác ai đó treo lên trước cửa phòng rác, không thèm bước chân vào bỏ rác cho ngay ngắn. Tới đêm, thì nhà ai đó cứ kéo ghế ầm ầm ngay trên đầu khiến tầng dưới không ngủ được. Ban quản lý thì lỏng lẻo, camera thì bị thành viên trong Ban quản trị tự ý chĩa vào cửa nhà mình. Tiền đậu xe, tiền quản lý phí chưa hợp lý, hay quá cao…
Hàng chục câu chuyện như thế, bám quanh cuộc sống đời thường, trong 1 chung cư ở đâu đó. Cảm giác người ta sống ích kỷ quá, kém văn minh quá, ngay cả trong tiềm thức.
Nhiều người có ác cảm với chung cư, dù chung cư là sự chọn lựa của cuộc sống hiện đại. Nơi hội tụ đủ sự an toàn, an yên khi gia chủ có việc đi vắng. Và còn tiện nghi nữa, khi người ta chỉ cần bước xuống thang máy là nhà hàng, là quán cà phê, là hồ bơi, là phòng tập gym…
Đầy đủ tới mức như vậy, nhưng sao vẫn quanh quẩn với đủ thứ chuyện hầm bà lằng. Đó là chưa kể các vụ căng thẳng như treo băng rôn phản đối chủ đầu tư, kiện cáo nhau ra tòa, chửi bới nhau trên mạng xã hội.
Nên dù thích ở chung cư lắm, nhưng nghĩ tới các việc khủng hoảng ấy, nhiều người lại chùn tay xuống tiền. Người ta lại phải vay mượn thêm chỗ nọ chỗ kia để mua nhà ngoài phố, chọn nhà trong hẻm. Cả đời cứ loay hoay trả tiền lãi cho chỗ trú ngụ, mà lẽ ra có thể ổn định từ lâu rồi với căn hộ có giá tiền vừa phải, gần nơi đi làm, sát bên trường của các con rất tiện lợi đi học.
Khi tôi không ở trong các nhóm ấy nữa, tự nhiên thấy nhẹ nhõm. Giờ thì ít cập nhật thông tin trong tòa nhà, nhưng không bị tiếp nhận các tin tức tiêu cực nữa. Và ở tâm thế ấy, mới thấy hàng xóm dễ thương hơn hẳn. Bởi chẳng biết đêm qua có phải ông ấy say ói vào cửa nhà kế bên hay không, hoặc chính bà vẫn cười với mình trong thang máy lại chính là người vẫn dắt chó lên sân thượng vệ sinh một cách ẩu tả và tùy tiện.
Đôi khi, thấy mình có chút yếu đuối vì không dám đối mặt với mọi điều. Nhưng thấy mình cũng yêu bản thân, yêu cuộc đời hơn. Mâu thuẫn, nhưng đành chấp nhận.
2. Yêu nhau yêu cả đường đi/Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng. Câu văn vần đã được nâng lên thành triết lý sống dân dã. Và thấy áp dụng khá phù hợp với các câu chuyện ứng xử, hành xử trong các chung cư tại nhiều thành phố lớn.
Tôi từng tới chung cư của người bạn tại quận 2, chỉ ngồi nhìn ngắm công viên dưới nhà thôi, là hình dung được toàn bộ phong cách quản lý của Ban quản trị tòa nhà. Từ việc gửi xe cho đến kiểm soát người ra vào chặt chẽ. Những đứa trẻ bơi ở đó hoàn toàn phải là con của cư dân sống trong tòa nhà. Không có chuyện bạn của con tới cùng bơi cho vui, hay khách vãng lai từ đâu ghé lại. Một chung cư mà khuôn viên dưới nhà toàn cây xanh với các trảng cỏ mướt mải, xứng đáng với đẳng cấp chung cư 5 sao. Ở đó, thì yêu luôn cả hàng xóm, cũng không quá khó hiểu!
Đang gõ những dòng chữ này, thì tôi thấy anh hàng xóm trong chung cư gửi đường link của bài báo cho thấy, trên mạng vừa lan truyền clip dẫn từ camera thang máy cho thấy 1 ông cư dân trong chung cư tại quận 12 tè bậy lênh láng. Tự nhiên, bao cảm xúc hân hoan bỗng biến mất rất nhanh. Với các câu chuyện thường ngày thế này, hỏi sao người kỹ tính phải nâng lên đặt xuống khi quyết định định cư ở căn hộ nào đó lâu dài.
Mà thực sự, sống trong chung cư mới chính là viễn cảnh cứu cánh cho tương lai. Đất ở đâu ra mãi mà để ai cũng có thể xây nhà phố, xây villa, hoặc xây nhà trong hẻm được. Chỉ là việc nhận thức và hiểu biết văn minh phải chạy nhanh bằng sự phát triển như vũ bão của thời cuộc, thì mới an tâm tận hưởng các tiện ích của chung cư.