Nhiều thôi, đừng nhiều quá!

(ĐTCK) Những cú điện thoại gọi tới chào bán nhà đất bất kể thời gian nào trong ngày khiến người ta khó lòng giữ bình tĩnh để trả lời…
Ảnh: Shutterstock Ảnh: Shutterstock

1. Hẳn ai cũng thấy bản thân trong câu chuyện này. Mỗi ngày, khi mọi người vừa mở điện thoại ra lúc tỉnh giấc, cho tới khi đưa con tới trường, vô cơ quan họp xong ra quán cà phê làm 1 ly đen nóng cho đỡ ghiền, thì cũng là thời gian các cú điện thoại chào bán nhà đất ào tới.

“Chị không có nhu cầu, cám ơn em” - là câu trả lời cửa miệng, thậm chí ngay cả lúc phía bên kia còn chưa chào xong dự án gì đó.

Nói thiệt là không đủ bình tĩnh để nghe được hết người ta nói gì. Vậy thì “sale phone” với cách tiếp cận mang đầy vẻ tiêu cực ấy, có hiệu quả gì không, mà các bạn ấy vẫn miệt mài thực hiện? Chưa ai đưa ra được các con số thống kê khoa học về việc này. Nhưng với cá nhân tôi, sau khi tiếp nhận hàng loạt cú điện thoại của 1 công ty có trụ sở ở TP.HCM mở bán dự án căn hộ nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu trong vài tuần, thì thực sự tôi sẽ không muốn mua tiếp bất cứ sản phẩm nào của công ty này nữa. Các bạn đã cho tôi ở thế vượt ngưỡng của sự chịu đựng.

Giống như các anh thời gian đầu mới bước vào tình yêu, thấy sự nhõng nhẽo của cô người yêu dễ thương lắm, thấy hay hay. Nhưng thời gian quen đủ lâu rồi mà sự nhõng nhẽo ấy vẫn không hề giảm, thì không còn thấy thú vị nữa. Thậm chí, có lúc bực bội, khó chịu, và rồi tan vỡ.

Bởi vậy, bất cứ những gì quá lên, đều thành dở.

Vừa rồi, bạn tôi nói, sau 20 năm kinh doanh nhà đất, đến giờ cậu ấy chính thức bước vào thời kỳ khủng hoảng tuổi trung niên. Giờ ngồi ngẫm lại, không biết bây giờ phải đầu tư gì và làm những chuyện gì nữa. Nói tới chuyện mua nhà đất, trước đây, bạn phấn chấn lắm. Phân tích hết vĩ mô tới vi mô, phán đoán từ chuyện nhỏ sang chuyện lớn. Nhưng tới giờ, ngoảnh đi ngoảnh lại, nhà đất đứng tên đã quá nhiều. Mua món gì bây giờ cũng thấy ngán. Cảm thấy mọi sự như đã “quá” lên rồi.

Ờ đúng, nhiều nhà thì thích thật, nhưng nhiều quá thì cũng mệt. Cuối tuần chạy show chỉ để thăm các tài sản mà cũng thấy bơ phờ. Có những tài sản ở xa quá, đất đai ở các tỉnh khác, thì thôi, vài năm mới ra ngó tới 1 lần coi thế nào. Thậm chí căn hộ cho thuê, người thuê trễ trả tiền đến cả nửa tháng, cũng chẳng nhớ. Đầu óc giờ cứ mông lung, chưa biết phải tính ra sao!

2. Mọi sự đều cần cân đối một cách hài hòa. Phàm những gì nhiều quá hay ít quá, cũng để lại nhiều suy nghĩ. Ăn ít quá, thì cơ thể thiếu chất, suy nhược. Ăn nhiều quá thì dư chất, sinh ra đủ thứ bệnh tật. Không có nhà thì lao tâm khổ tứ, đi vay mượn ngân hàng để mua được căn hộ. Nhiều nhà quá thì lo quản lý nhà cửa thế nào cho ổn thỏa, có khi đau đầu vì chẳng biết phải sắp xếp thời gian coi sóc thế nào.

Tôi biết có người quen, gia đình anh cho thuê căn nhà phố tới gần 40 năm rồi. Tiền cho thuê vượt quá tiền mua nhà tính theo vàng rồi, nhưng anh cũng chẳng có ý định bán nhà cho người ta, cũng không có ý định làm gì hơn.

Vì bán đi hay không, thì cũng không giải quyết việc gì cả, vợ chồng anh nhiều nhà quá rồi, và cũng chẳng thiếu tiền để lo cho việc gì đó. Nên cứ để mặc kệ như vậy, cho việc trôi đi. Nhà mấy chục năm người ta ở thuê, mà giống như nhà của chính họ rồi. Gắn bó, thân quen còn hơn cả người chủ thực sự của nó. Nhiều quá, sao mà để tâm được tới nhau. Chăm nuôi 1 - 2 đứa con thì đương nhiên sẽ chu đáo hơn chăm tới 5 - 6 đứa. Bởi vậy, mà nhiều có khi lại nhạt. Yêu xa, có khi còn thắm thiết hơn ngày nào cũng nhìn thấy người yêu làm chung cùng phòng…

Nếu cho sự nhiều là chọn lựa, thì nên chọn nhiều bạn. Nhà, hẳn là cần. Vì đó là chỗ ở, thể hiện điều ổn định và tiêu chí tối thiểu để sống của con người. Có vài 3 căn nhà, rất tốt. Nhưng đời mà chỉ có mỗi mục tiêu mua nhiều nhà, thì chán ngắt.

Nhà không biết cười đâu, chỉ có con người là biết cười với nhau mà thôi!


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục