Nhà có rể!

(ĐTCK) Ông Dương đóng cửa, nhìn quanh một lượt căn nhà rộng rãi đầy cây cối. Tiễn chàng rể về xong, ông không biết phải tính sao, chỉ biết thở dài.
Nhà có rể!

1. Gia đình ông Dương nằm trong quần thể biệt thự của Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM. Nhà có sân vườn đẹp đẽ, rộng rãi nhưng quanh quẩn tới lui chỉ có 2 ông bà. Để có người dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn, ban đầu gia đình cũng có người giúp việc, nhưng bà Dương thì hơi khó tính. Cô giúp việc nào tới ở cũng bị chê. Cô thì bị chê ở dơ, cô thì bị chê lười biếng. Người giúp việc ở nhà ông bà Dương chỉ được 6 tháng đã được coi thành công.

Ông Dương có 2 người con. Cậu con trai du học tại nước ngoài từ khi còn nhỏ và không trở về nước. Anh lấy bằng tiến sĩ và lấy cô vợ Tây. Cặp đôi sinh được một bé trai, nhưng hiện đã ly dị.

Còn cô con gái ông Dương theo nghề giáo của ba. Cô dạy ngoại ngữ trong một trung tâm quốc tế gần nhà, lấy một ông chồng rất khá giả. Thời con gái 22 tuổi, ông Dương nhớ rất rõ, cô yêu say đắm anh chàng cùng trường. Khổ nỗi sau này chàng kia lại mê người khác khiến con gái ông bị thất tình một thời gian dài. Trong một lần đi chơi với đám bạn, cô gặp anh xã bây giờ.

Cái duyên cái số vồ lấy nhau không giải thích được, khiến con gái ông Dương bị cuốn vào bùa yêu. Vậy là một đám cưới tưng bừng hoa lá diễn ra.

Ngay đêm tân hôn, cô dâu không có chỗ nằm vì giường cưới của vợ chồng cô đã được anh chồng cho phép ông bạn nhậu cùng say mềm ngủ rớt đầy cả nước miếng ra tấm drap giường.

Cuộc sống của hai người hiện vẫn duy trì với sự chịu đựng của cô vợ. Thói trăng hoa cùng nhiều thói xấu khác của người chồng đẹp trai kia phát huy cao độ. Dù vậy, họ vẫn không muốn ly dị chỉ với lý do tài sản chung mỗi ngày mỗi nhiều. Giờ chia tay kéo theo việc chia hơn chục căn nhà phố và vô số đất đai rải khắp các tỉnh thành, phức tạp vô cùng.

Nhưng chuyện riêng của vợ chồng con gái thì để cặp đôi tự xử. Với ông bà Dương, nỗi buồn nhất chính là sự vô tâm của chàng rể. Mỗi năm, con rể chỉ ghé nhà ông bà đôi ba lần. Và lần nào cũng ngồi chưa ấm chỗ, uống chưa xong ly cà phê là đã nhấc mông lên chào ra về. Chuyện lớn chuyện nhỏ bên gia đình nhà vợ thì đương nhiên càng không bao giờ tham gia. Sự hờ hững của chàng rể khiến cả gia đình buồn phiền. Ông bà Dương không dám nói nhiều, sợ con gái buồn.

2. Người ta vẫn thường nói rằng: “Dâu là con, rể là khách”. Nhưng trong các mối quan hệ gia đình ấy, mâu thuẫn giữa nàng dâu và bên gia đình chồng thường nhiều hơn, át vía hơn giữa chàng rể và bên vợ. Bởi thông thường, là đàn ông, nên các ông con rể cũng ít khi nhúng tay vào các việc lặt vặt bếp núc trong gia đình - việc rất dễ gây xích mích đàn bà. Hơn nữa, vì “ném chuột sợ vỡ đồ” - la mắng con rể thì lại sợ con gái mình gánh chịu đủ thứ, nên thông thường cha mẹ vợ chỉ dám nhỏ nhẹ khuyên can. Có người khuyên con rể một câu, mà cả năm cậu con rể không ghé qua nhà vợ nữa.

Còn nhớ, tôi có người bạn thân, chị và ông xã sống cùng mẹ trong một căn nhà tại quận 1, TP.HCM. Ba mẹ chị đã ly hôn khi còn trẻ, cô em gái theo chồng sống ở xa, nên việc vợ chồng chị về sống cùng bà cũng là hợp lẽ. Nhưng mang tâm lý “chó chui gầm chạn” trong người, nên anh chồng không thoải mái lắm. Một lần, vì chuyện đóng góp tiền bạc hàng tháng cho mẹ vợ, mà vợ chồng anh cãi nhau.

Vợ lớn tiếng cho rằng anh đã không phải lo chuyện nhà cửa, thì cũng nên đóng góp thêm nhiều tiền cho mẹ. Chắc vì đụng chạm đến lòng tự ái, mà khi mẹ vợ vừa bênh con gái một câu, là anh dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng trầm trọng, đến mức cặp đôi đã phải chấm dứt hôn nhân trong nỗi đau khổ của người vợ.

Nhà có rể, giống như nhà có khách. Nếu chỉ cần thiên vị đôi chút, cũng có khi bể bình, bể lọ, mà chuột cũng chạy đằng nào mất rồi!


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục