Đúng như dự đoán, thị trường việc làm của Mỹ đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 4. Theo dữ liệu vừa được công bố, trong tháng, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 288.000 việc làm, nhiều hơn dự báo trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp cũng được cải thiện, tuy nhiên, có tới 800.000 người ra khỏi lực lượng lao động, trong khi tiền lương trung bình theo giờ không đổi trong tháng 4. Như vậy, thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp có cải thiện về lượng, nhưng chưa thực sự có sự cải thiện về chất.
Bất chấp dữ liệu việc làm khả quan, nhưng tình hình căng thẳng ở Ukraine khiến giới đầu tư phải nhanh chóng chốt lời trong phiên cuối tuần, kéo các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm.
Ngoài ra, dữ liệu việc làm tích cực vừa công bố càng làm củng cố thêm niềm tin rằng, FED sẽ nâng lãi suất lên trong năm 2015 và càng khiến giới đầu tư có lý do để chốt lời.
Dù giảm 2 phiên cuối tuần đối với Dow Jones và S&P500 và 1 phiên cuối tuần của Nasdaq, nhưng các chỉ số này vẫn có tuần tăng điểm khá.
Kết thúc phiên 2/5, chỉ số Dow Jones giảm 45,98 điểm (-0,28%), xuống 16.512,89 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,54 điểm (-0,13%), xuống 1.881,14 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,55 điểm (-0,09%), xuống 4.123,90 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,9%, chỉ số S&P 500 tăng 0,9% và chỉ số Nasdaq tăng 1,2%.
Chứng khoán châu Âu cũng có khởi đầu tốt trong phiên cuối tuần, tuy nhiên, tin tức từ Ukraine khiến giới đầu tư nhanh chóng bán ra, đẩy các chỉ số chứng khoán chính của khu vực quay đầu giảm điểm.
Kết thúc phiên 2/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,55 điểm (+0,20%), lên 6.822,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 47,21 điểm (-0,49%), xuống 9.556,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 29,22 điểm (-0,65%), xuống 4.458,17 điểm.
Dù giảm điểm trong phiên đầu tuần, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn có tuần tăng mạnh nhờ sóng M&A. Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 2,05%, chỉ số DAX tăng 1,64% và chỉ số CAC tăng 0,33%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã quay đầu giảm trở lại sau phiên tăng mạnh trước đó. Chứng khoán Nhật bị ảnh hưởng bởi tình hình Ukraine và đồng yên tăng mạnh so với đồng USD. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại có phiên trở lại ấn tượng sau 1 ngày nghỉ lễ.
Kết thúc phiên 2/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 27,62 điểm (-0,19%), xuống 14.457,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 126,70 điểm (+0,57%), lên 22.260,67 điểm. Chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ giao dịch.
Sau nhiều ngày nghe ngóng và lình xình, cuối cùng vàng cũng tìm được điểm tựa để bật cao, lấy hết những gì đã mất trong 3 phiên chỉ trong một ngày giao dịch. Tiếng súng đã nổ ở Ukraine khi Chính phủ lâm thời cho quân đội tấn công những người biểu tình ở các tỉnh miền Đông, thương vong đã có trong ngày đầu giao chiến.
Ngoài ra, bạo lực đẫm máu ở Odessa giữa những người ủng hộ Kiev và những người biểu tình thân Nga, hậu quả khiến 40 người chết và hàng trăm người bị thương, trong đó chủ yếu là chết cháy trong vụ cháy tòa nhà Công đoàn Odessa.
Những thông tin này giúp vai trò trú ẩn của vàng tăng lên và hút tiền từ các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Kết thúc phiên 2/5, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 15,7 USD (+1,22%), xuống 1.300,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 19,5 USD (+1,52%), lên 1.302,9 USD/ounce.
Tình hình căng thẳng ở Ukraine cũng hỗ trợ cho giá dầu tăng trở lại sau những phiên giảm liên tiếp do dữ liệu kém tích cực của Mỹ, cũng như kho dự trữ dầu cao ở mức kỷ lục của Mỹ.
Kết thúc phiên 2/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,34 USD (+0,34%), lên 99,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,83 USD (+0,76%), lên 108,59 USD/thùng.