Chứng khoán “dừng chân” chờ dữ liệu việc làm

(ĐTCK)  Sau những phiên tăng điểm liên tiếp, giúp chỉ số Dow Jones lần đầu tiên thiết lập mức cao lịch sử trong năm 2014, chứng khoán Mỹ đã tạm “dừng chân” trong phiên giao dịch thứ Năm (1/5) để chờ đợi dữ liệu việc làm sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu (2/5).
Giới đầu tư Phố Wall đang chờ đợi dữ liệu việc làm Giới đầu tư Phố Wall đang chờ đợi dữ liệu việc làm
Tỷ lệ thất nghiệp được công bố trong phiên giao dịch này bất ngờ tăng trong tuần trước, mặc dù xu hướng cơ bản vẫn cho thấy thị trường lao động được cải thiện. Theo dự báo của các nhà phân tích trong một cuộc khảo sát, số lượng việc làm tạo mới trong tháng 4 sẽ tăng mạnh nhất trong 5 tháng qua.

S&P500 gần như đứng yên, trong khi Dow Jones giảm trở lại, đánh mất gần một nửa điểm số đã đạt được trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, Nasdaq vẫn duy trì đà tăng tốt nhờ nhóm cổ phiếu internet khi các doanh nghiệp trong nhóm này như Facebook, Yelp, Amazon.com, TripAdvisor Inc… có kết quả kinh doanh tốt. Ngoài ra, việc Nasdaq mất tới 2% trong tháng 4 do đà bán tháo cổ phiếu công nghệ và công nghệ sinh học, trong khi S&P500 và Dow Jones đều tăng nhẹ, cũng là lý do giúp chỉ số này hồi mạnh hơn.

Kết thúc phiên 1/5, chỉ số Dow Jones giảm 21,97 điểm (-0,13%), xuống 16.558,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,27 điểm (-0,01%), xuống 1.883,68 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 12,90 điểm (+0,31%), lên 4.127,45 điểm.

Chứng khoán châu Á, Âu, nhiều thị trường nghỉ giao dịch ngày lễ 1/5, chứng khoán Nhật Bản là một trong những thị trường hiếm hoi ở châu Á và chứng khoán Anh là thị trường hiếm hoi ở châu Âu giao dịch trong ngày 1/5 và có được sắc xanh khá tốt. Kết thúc phiên 1/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 28,84 điểm (+0,43%), lên 6.808,87 điểm. Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 181,02 điểm (+1,27%), lên 14.485,13 điểm.

Giá vàng vẫn giảm trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng từ thông tin FED cắt giảm gói QE3 được đưa ra trước đó. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế Mỹ lạc quan được công bố hôm thứ Năm cũng khiến dòng tiền chuyển từ vàng sang chứng khoán, nên kim loại quý giảm dần vai trò trú ẩn an toàn. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, thông tin được cho là hỗ trợ đắc lực cho giá vàng vẫn đang được thế giới theo dõi sát sao, nhưng vẫn chưa có tiến triển gì mới. Vì vậy, dù chịu áp lực giảm giá do các thông tin kinh tế, nhưng giá vàng cũng không giảm mạnh khi “ngòi nổ” Ukraine chưa được tháo gỡ hoàn toàn.

Kết thúc phiên 1/5, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 6,4 USD (-0,50%), xuống 1.284,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 12,5 USD (-0,97%), xuống 1.283,4 USD/ounce.

Giá dầu vẫn chịu áp lực giảm do thông tin về hoạt động sản xuất của Trung Quốc đáng thất vọng, cùng với kho dữ trữ tăng lên mức kỷ lục của Mỹ được công bố trước đó.

Kết thúc phiên 1/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,32 USD (-0,32%), xuống 99,42 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,31 USD (-0,29%), xuống 107,76 USD/thùng.

T.Lê tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục