Trong thông báo được đưa ra ngày thứ Tư (30/4), FED cho biết, sẽ cắt giảm chương trình mua trái phiếu (QE3) của mình về mức 45-55 tỷ USD/tháng đúng lộ trình, bất chấp GDP của Mỹ trong quý I chỉ tăng 0,1% theo năm, mức thấp hơn nhiều so với dự báo là 1,2% do bị ảnh hưởng bởi mùa Đông khắc nghiệt. Trong các dữ liệu kinh tế được công bố, chỉ có dữ liệu chi tiêu hộ gia đình là điểm sáng duy nhất. Tuy nhiên, FED đánh giá triển vọng tích cực của nền kinh tế Mỹ trong quý II, nên thực hiện cắt giảm QE3 theo đúng lộ trình, để tiến tới dừng hẳn vào tháng 10.
Thông điệp mà FED đưa ra lần này đã tích cực hơn nhiều so với trước đó. Trong thông báo đưa ra giữa tháng 4, cơ quan này còn cho biết, nền kinh tế Mỹ còn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường lao động, vì thế chưa thế tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2015.
Với thông điệp mà FED đưa ra, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đảo chiều tăng trở lại. Mặc dù mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với phiên phiên 29/4, nhưng vẫn đủ giúp Dow Jones thiết lập kỷ lục mới, mức kỷ lục đầu tiên trong năm 2014.
Kết thúc phiên 30/4, chỉ số Dow Jones tăng 45,47 điểm (+0,27%), lên 16.580,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,62 điểm (+0,30%), lên 1.883,95 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 11,01 điểm (+0,27%), lên 4.114,56 điểm.
Kết thúc tháng 4, Dow Jones và S&P500 tăng nhẹ, trong khi Nasdaq mất tới 2% do ảnh hưởng từ những đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ cao và công nghệ sinh học. Kết thúc tháng 4, Dow Jones tăng 0,7%, chỉ số S&P500 tăng 0,6%.
Chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trở lại trong phần lớn thời gian giao dịch ngày thứ Tư do ảnh hưởng từ tình hình Ukraine và tăng trưởng kinh tế yếu kém của Mỹ. Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán châu Âu kịp hồi phục vào cuối phiên nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số công ty được công bố.
Kết thúc phiên 30/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,12 điểm (+0,15%), lên 6.780,03 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 19,11 điểm (+0,20%), lên 9.603,23 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 10,29 điểm (-0,23%), xuống 4.487,39 điểm.
Chứng khoán châu Á có phiên biến động trước kỳ nghỉ lễ của nhiều thị trường. Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng điểm, trong khi chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh trở lại.
Kết thúc phiên 30/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 15,88 điểm (+0,11%), lên 14.304,11 điểm. Chứng khoán Hồng Kông giảm 319,92 điểm (-1,42%), xuống 22.133,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 6,02 điểm (+0,30%), lên 2.026,36 điểm.
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch thứ Tư khi FED thông báo cắt giảm gói QE3 về mức 45-55 tỷ USD/tháng. Tuy nhiên, đà giảm của kim loại quý này được hãm lại nhờ đồng USD giảm giá và một số lực mua nhằm tìm kênh đầu tư an toàn trước cuộc khủng hoảng Ukraine.
Kết thúc phiên 30/4, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 4,6 USD (-0,36%), xuống 1.292,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 2,3 USD (+0,18%), lên 1.295,9 USD/ounce.
Giá dầu thô giảm mạnh khi tồn kho của Mỹ lên mức cao kỷ lục, đạt gần 400 triệu thùng. Trong đó, giá dầu thô Mỹ mất mốc 100 USD, còn giá dầu thô Bren cũng giảm hơn 0,8%. Kết thúc phiên 30/4, giá dầu thô Mỹ giảm 1,54 USD (-1,54%), lên 99,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,91 (-0,84%), xuống 108,07 USD/thùng.