Chiều 24/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Trong đó đáng chú ý là sản phẩm phân bón được đưa vào chịu thuế, theo đề xuất của Chính phủ mức áp thuế VAT cho phân bón là 5% thay vì là đối tượng không chịu thuế theo như luật hiện hành.
Vấn đề này đang thu hút được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp, người dân và xã hội, vì sản phẩm phân bón là sản phẩm quan trọng phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón mà còn tác động đến chi phí sản xuất sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, bên lề hành lang Quốc hội sáng ngày 24/6, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có những chia sẻ và phân tích những lợi ích của 2 kịch bản trên.
Ông Phan Đức Hiếu cho biết, ông rất hoan nghênh Chính phủ đã đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế giá tăng vào thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng trong dự thảo luật thuế VAT. Việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này và người nông dân và những đối tượng liên quan.
Ông Hiếu phân tích, trước đây phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT, như vậy doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải ‘gánh thêm’ chi phí đầu vào do doanh nghiệp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, chính vì vậy chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước có phần kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm nhập khẩu. Nay Quốc hội đang đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào để sản xuất mặt hàng phân bón vì sẽ được khấu trừ hoàn thuế VAT đối chi phí đầu vào vào cho sản xuất. Rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất đồng nghĩa cơ hội giảm chi phí sản phẩm bán cho người nông dân và người tiêu thụ.
Vậy mức thuế VAT áp cho phân bón nên bao nhiêu là phù hợp – 5% hay 0%? Hiện Chính phủ đang đề xuất phân bón thuộc diện chịu thuế là 5%.
Nếu so sánh, cả 2 kịch bản 0% và kịch bản 5% đều mang lại lợi ích cho nhà sản xuất và người tiêu dùng, do tạo cơ hội giảm chi phí sản xuất phân bón tại Việt Nam. Khi giảm được chi phí sản xuất đồng nghĩa tạo cơ hội lớn để giảm giá bán.
Tuy nhiên, thị trường phân bón chúng ta sản phẩm nhập khẩu. Ở kịch bản 5%, đối với phân bón nhập khẩu mà không sản xuất trong nước thì rõ ràng không có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, do giá thành sẽ tăng và người tiêu dùng có thể phải chịu tác động tăng giá tương ứng.
Còn kịch bản 0% thì rõ ràng có lợi chung cho nhà nhập khẩu, người tiêu dùng, nhưng lợi ích của nhà nước rõ ràng bị ảnh hưởng do hoàn thuế đối với chi phí sản xuất đầu vào.
“So sánh tổng thể 2 phương án thì tôi nhận thấy ở kịch bản thuế 5% là tốt nhất, có lợi ích hài hòa cho tất cả các bên: Doanh nghiệp sản xuất - Nhà nước - người tiêu dùng. Ngoài ra, phương án này còn giúp thúc đẩy sản xuất trong nước, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm. Điểm yếu của kịch bản này lại không có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng đối với sản phẩm nhập khẩu”- ông Phan Đức Hiếu cho hay.
Đối với kịch bản 0% thì có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu - người tiêu dùng nhưng không có lợi ích cho nhà nước, đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội. Để chọn một trong 2 kịch bản này hiện nay, nếu chỉ xét trên bình diện tổng thể, hài hòa về mặt lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, người tiêu dùng – Nhà nước thì tôi nghiêng về kịch bản áp dụng mức thuế 5%.
Nên tôi rất mong lần này Chính phủ cần tiếp tục tính toán kỹ lưỡng lợi ích chi phí của hai phương án để Quốc hội có thêm cơ sở lựa chọn phương án tối ưu", ông Hiếu nói và khẳng định thêm: "Việc đưa phân bón vào diện chịu thuế theo tôi là quyết định đúng đắn và cấp thiết".