Mới đây, tại khách sạn Hilton Opera Hà Nội, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đã phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo với chuyên đề: “Thuế tiêu thụ đặc biệt - Hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh”, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu trong Quyết định số 508/QĐ/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược cải cách thuế đến năm 2030, trong đó quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) như sau: “Xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho rằng, thuế TTĐB đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội; điều tiết thu nhập của người tiêu dùng; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thuế TTĐB cần đáp ứng yêu cầu cao hơn như cần đảm bảo được một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, một sắc thuế TTĐB tốt thì ngoài các mục tiêu như định hướng hành vi tiêu dùng, tăng thu ngân sách thì cần tính tới các yếu tố: tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA cho biết, trong 32 năm qua (1990 - 2022), nước ta đã ban hành và sửa đổi bổ sung thuế TTĐB một cách linh hoạt với mục tiêu định hướng sản xuất kinh doanh, hướng dẫn tiêu dùng, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Theo bà Cúc, tăng thuế TTĐB nhằm hạn chế tiêu dùng thuốc lá là việc làm cần thiết. Bên cạnh một chính sách thuế hợp lý, các biện pháp khác cũng cần được thực hiện một cách đồng bộ: tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về tác hại thuốc lá; kiểm soát và hạn chế thuốc lá nhập lậu; thực hiện nghiêm việc phạt trực tiếp vào hành vi hút thuốc lá nơi công cộng...
Bà Cúc cũng nhấn mạnh rằng, việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nên có lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho NSNN, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lộ trình này cần cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết.
“Chúng tôi đề xuất phương án sửa đổi theo lộ trình, theo đó, hai năm đầu thực hiện phương pháp thuế hỗn hợp - tương đối và tuyệt đối, bên cạnh thuế suất 75% có thể tăng thêm mức thuế tuyệt đối từ 1.000 đồng/bao. Tiếp đến sẽ nâng dần theo lộ trình 2 năm tiếp theo nâng từ 1.000 đồng/bao lên 1.500 đồng/bao. Từ năm thứ 5 sẽ điều chỉnh tăng 2.000 đồng/bao”, bà Cúc phân tích.
Bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, phương thức đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá trên thế giới khá đa dạng (tỷ lệ phần trăm, mức tuyệt đối hoặc hỗn hợp), tuy nhiên Việt Nam mới chỉ áp dụng phương thức đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm và phương thức này đang bộc lộ nhiều hạn chế, như không theo kịp tốc độ lạm phát, khuyến khích sự gia tăng thuốc lá giá rẻ hiện đang sẵn có trên thị trường, từ đó, gia tăng khả năng tiếp cận và hút thuốc lá đối với thanh thiếu niên và tăng tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở trẻ em.
Bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hữu đang bộc lộ nhiều hạn chế |
Trong khi đó, phương thức đánh thuế theo mức tuyệt đối và đặc biệt là phương thức đánh thuế hỗn hợp hiện đang được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia do lợi ích mang lại của phương pháp này, đồng thời khuyến nghị việc tăng thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp cần có lộ trình để đảm bảo số thuế tuyệt đối tăng qua các năm cần tương ứng với tốc độ lạm phát.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và tư vấn PwC Việt Nam cho biết, thế giới hiện phổ biến 3 phương thức đánh thuế TTĐB. Đó là: cơ cấu thuế tương đối theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán, cơ cấu thuế tuyệt đối (mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hóa) và cơ cấu thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tính theo tỉ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối).
Trích dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, bà Vân cho biết, trong 3 phương thức, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối là đông nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỷ lệ phần trăm (47 quốc gia). So với gần 15 năm trước (2008) thì cách tính thuế hỗn hợp có sự gia tăng về số lượng quốc gia chọn lựa.
Lãnh đạo PwC nhấn mạnh hệ thống thuế TTĐB mới với thuốc lá cần phải định hướng các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏ |
Theo bà Vân, phương thức thuế tính theo tỷ lệ phần trăm có ưu điểm là tự động điều chỉnh theo lạm phát. Nhưng cách tính thuế này không thúc đẩy đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, vì khi đầu tư nâng cao chất lượng thì giá thành sẽ cao, giá bán phải tăng cao tương ứng, dẫn đến gánh nặng thuế lớn hơn theo hiệu ứng số nhân của cơ cấu thuế.
Chính vì thế, bà Vân kiến nghị: “Cải cách cơ cấu thuế theo hướng khuyến khích nâng cao chất lượng để giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe - chuyển sang hệ thống hỗn hợp và dùng yếu tố thuế tuyệt đối để điều tiết thị trường tiêu thụ một cách hợp lý”.
Cân não bài toán tăng thuế và chống thuốc lá lậu
Theo bà Vân, cần tăng thuế có lộ trình dài hạn, minh bạch, mức tăng nên cao hơn tỷ lệ lạm phát. “Nếu Việt Nam tăng thuế TTĐB gây sốc thì thuế TTĐB sẽ là gánh nặng và Việt Nam có thể sẽ đi theo vết xe đổ của Malaysia, Anh, Đức khi tăng thuế TTĐB đột ngột, đột biến. Đó là nạn thuốc lá lậu, thuốc lá bất hợp pháp tràn lan, lấn át thuốc lá truyền thống, khiến ngân sách thất thu, không đạt mục đích giảm lượng người hút thuốc và cũng có thể đẩy nhiều công ty thuốc lá vào chỗ đóng cửa còn người lao động thất nghiệp”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế TTĐB nếu có cần cân nhắc hài hòa giữa điều tiết nguồn thu NSNN và phát triển sản xuất kinh doanh.
“Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu để đưa ra lộ trình tăng thuế, mức độ tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá một cách phù hợp do điều kiện thị trường Việt Nam có nhiều phân khúc giá khác nhau, tránh tạo ra cơ hội cho thuốc lá lậu gia tăng sản lượng tiêu thụ dẫn đến thất thu thuế”, ông Nghĩa kiến nghị.
Ông Nghĩa cho biết, thuốc lá lậu hiện là một vấn nạn trầm trọng của thị trường thuốc lá tại Việt Nam. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chống thuốc lá lậu từ Trung ương đến địa phương nhằm đẩy mạnh hoạt động phòng chống thuốc lá lậu.
“Hiệp hội đề nghị Nhà nước và các cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn và sử dụng một phần kinh phí từ Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để đẩy mạnh công tác chống thuốc lá lậu, qua đó tăng nguồn thu ngân sách từ ngành thuốc lá hợp pháp, thay vì đẩy nhanh việc gia tăng thuế và áp đặt thêm các khoản thu mới trên sản phẩm thuốc lá hợp pháp”, ông Nghĩa đề nghị.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, tăng thuế TTĐB là một công cụ, nhưng tăng thuế có thể tăng buôn lậu; tăng buôn lậu sẽ làm giảm sản xuất và tiêu dùng hợp pháp, từ đó giảm số thu thuế. Ngoài ra, vòng xoáy tăng thuế - tăng giá có thể sẽ thúc đẩy người hút chuyển sang các loại thuốc giá rẻ ảnh hưởng sức khỏe nằm ngoài tầm kiểm soát chất lượng của nhà nước… Chính sách thuế cũng cần phải nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng, giúp người dùng dần chuyển sang hút loại ít độc hại hơn nhờ vào đổi mới công nghệ, những loại thuốc ít làm hại, hay hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với môi trường chung và người không hút thuốc.
Theo ông Cung, thống kê các năm qua cho thấy số lượng thuốc lá tiêu thụ về cơ bản không giảm, buôn lậu tăng, thu ngân sách về cơ bản không tăng nhưng lại tăng thất thu thuế; giảm doanh thu ngành sản xuất thuốc lá; thu hẹp sản xuất và cung ứng hợp pháp. Tóm lại, tăng thuế những năm qua chưa đạt mục tiêu quản lý, và có thể không nên là công cụ ưu tiên hàng đầu trong quản lý nhà nước đối với tiêu thụ thuốc lá.
Chính sách thuế phải đảm bảo giúp cho doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, cung ứng thuốc lá chất lượng cao hơn với chi phí hợp lý, thúc đẩy chuyển sang tiêu thụ thuốc lá có chất lượng với giá hợp lý. Đối với buôn lậu, phải hạn chế và quyết liệt đẩy lùi. “Đối với Nhà nước, thu thuế cao nhất có thể, mà không đánh đổi các 2 mục tiêu lớn này. Nhìn chung, các mục tiêu có thể mâu thuẫn nhau, có thể triệt tiêu lẫn nhau, có thể phải đánh đổi,” ông Cung phân tích.
Ngoài ra, theo ông Cung, song với việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (tương đối và tuyệt đối) để định hướng thị trường, tăng chất lượng sản phẩm, Chính phủ cũng cần quyết liệt thúc đẩy các giải pháp phi thuế.
“Cần tăng cường công tác chống buôn lậu, nhất là trên biên giới vùng đồng bằng sông Cửu Long; gây khó nhiều hơn cho người hút thuốc lá, tiếp tục thu hẹp các địa điểm được hút thuốc lá; xử phạt hành chính mạnh hơn đối với người hút thuốc vi phạm các quy định cấm hút thuốc; tăng cường tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá đến mọi tầng lớp nhân dân, các vùng miền, nhất là trong trường học.
Ông Young Jae Song - Tổng giám đốc Công ty liên doanh BAT - Vinataba, cũng đề xuất chưa nên tăng thuế TTĐB trong vòng 1 - 2 năm tới, và kiến nghị Nhà nước cân nhắc một lộ trình hợp lý với mức tăng phù hợp, để tránh việc tăng sốc gây bất ổn thị trường, môi trường kinh doanh và gia tăng thuốc lá lậu cũng như những vấn đề về an sinh xã hội.
Ông Young Jae Song - Tổng giám đốc Công ty liên doanh BAT - Vinataba cho rằng cần đề ra một lộ trình hợp lý với mức tăng thuế phù hợp để đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu. |
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thế hệ mới cũng được thảo luận tại Hội thảo. Trong những năm gần đây, thuốc lá thế hệ mới nhập lậu đang dần phổ biến.
Dữ liệu khảo sát thị trường cho thấy, ước tính tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá thế hệ mới vào năm 2021 là 1%, tức là khoảng 280.000, trong đó khoảng 90% là sản phẩm thuốc lá điện tử (TLĐT), còn lại là sản phẩm thuốc lá làm nóng (TLLN).
Tất cả những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều là hàng nhập lậu, gây thất thu thuế cho Nhà nước, ảnh hưởng đến ngành thuốc lá và quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng về quản lý chất lượng và giá cả sản phẩm.
Vì lý do đó, ông Young Jae Song kiến nghị Nhà nước nên nghiên cứu hành lang pháp luật cũng như mức thuế TTĐB hợp lý đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng tốt và tiềm năng giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng dựa trên các nghiên cứu và thông lệ quốc tế tại các thị trường lớn trên thế giới, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh với các sản phẩm nhập lậu trôi nổi trên thị trường hiện đang gây thất thu thuế và rủi ro về sức khỏe cho người tiêu dùng.
Sau phần trình bày của các diễn giả, đại diện các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, hội thảo đã nhận được các ý kiến thảo luận mở của các đại biểu tham dự.
Về cơ bản, ý kiến tham gia đều nhất trí cần thiết phải điều chỉnh tăng mức điều tiết thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá theo mục tiêu tại Quyết định số 508/QĐ/2022/QĐ-TTg.
Về phương pháp tính thuế nên áp dụng phương pháp hỗn hợp như nhiều nước trên thế giới đang áp dụng với thuế suất theo tỷ lệ tương đối và mức thuế tuyệt đối.
Trong quá trình soạn thảo Luật sửa đổi cần phải nghiên cứu kỹ càng, thấu đáo về lộ trình và mức tăng để chính sách thuế đảm bảo được sự hài hoà giữa các mục tiêu: điều tiết thu NSNN, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế thuốc lá lậu, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.