Thuế thu nhập cá nhân: những điểm mâu thuẫn

(ĐTCK-online) Theo ý kiến của Ban soạn thảo (được đăng trên ĐTCK số 82 ngày 11/10/2007) thì cổ tức nhận được từ công ty bằng cổ phiếu của cổ đông cũng bị đánh thuế, và nó được tính bằng tiền theo giá cổ phiếu tại thời điểm đó trên thị trường. Theo tôi, ở đây có sự nhầm lẫn trong vận dụng và trái với Luật Khuyến khích đầu tư.
Thuế chỉ nên đánh trực tiếp khi mà cổ đông được sở hữu thực sự khoản lợi nhuận đó bằng cách chuyển nhượng cổ phiếu. Thuế chỉ nên đánh trực tiếp khi mà cổ đông được sở hữu thực sự khoản lợi nhuận đó bằng cách chuyển nhượng cổ phiếu.

Cổ tức chia bằng cổ phiếu cũng bị đánh thuế?

Khi công ty cổ phần chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu (mà không chia bằng tiền mặt) thì có nghĩa là số cổ tức đó được công ty tái đầu tư. Cụ thể là để tăng vốn điều lệ và đầu tư vào các dự án theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua và đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Về mặt trực tiếp mà nói thì cổ đông không có thu nhập nào bằng việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Về mặt gián tiếp, tiền đó đã được đầu tư trở lại thông qua công ty của họ. Theo Luật Khuyến khích đầu tư, tiền dùng để tái đầu tư thì không bị đánh thuế. Nếu đánh thuế vào các cổ phiếu trên nghĩa là thuế vừa có tính chất gián thu, vừa trái với việc khuyến khích tái đầu tư của Nhà nước.

Một câu hỏi khác, khi chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông thì toàn bộ tài sản của DN không hề thay đổi và không có sự dịch chuyển nào ra ngoài DN, thì tại sao cổ đông lại phải nộp thuế? Giả sử DN không chia cổ tức mà dùng lợi nhuận sau thuế đầu tư vào các dự án khác để sinh lời thì khoản đầu tư này chắc chắn không phải nộp thuế, song suy cho cùng đó cũng là tài sản của cổ đông mà thôi.

Thuế chỉ nên đánh trực tiếp khi mà cổ đông được sở hữu thực sự khoản lợi nhuận đó bằng cách chuyển nhượng cổ phiếu được chia cho người khác và thu tiền về. Và không nên đánh vào lúc nó còn “nằm trong túi người khác” - theo như suy nghĩ của Ban soạn thảo.

 

Cổ tức chia bằng tiền cũng bị đánh thuế? Và đâu là song trùng?

Theo lý giải của Ban soạn thảo thì không có sự song trùng ở đây, do 2 chủ thể khác nhau, thuế đánh vào các nguồn thu khác nhau: DN thì từ kinh doanh và cổ đông thì từ đầu tư. Tức là thuế đánh vào lợi nhuận của DN do việc kinh doanh, sản xuất mà có, còn thuế đánh vào cổ tức của cổ đông là đánh vào lợi nhuận do cổ đông đầu tư vào DN? Vậy trong trường hợp DN thay mặt cổ đông đầu tư thì sao? Ví dụ, các quỹ đầu tư hay công ty đầu tư bất động sản. Ở đây, họ nhận tiền của cổ đông và thay mặt cổ đông đầu tư, lợi nhuận được sinh ra cũng chính là từ sự uỷ thác của cổ đông mà có. Vậy mục tiêu của nhà đầu tư và quỹ đầu tư hay công ty đầu tư bất động sản kia đâu có khác gì nhau nếu như theo lý giải của Ban soạn thảo, chẳng qua là họ chỉ nhận uỷ thác của cổ đông mà thôi. Việc thu lợi nhuận từ đầu tư không riêng gì của các DN trên, nhiều DN khác hiện nay có nguồn thu chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng lợi nhuận là từ đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản… Vậy theo giải thích của Ban soạn thảo, đâu là sự khác biệt về mục đích kinh doanh hay nguồn thu của nhà đầu tư và DN? Nếu hiểu đúng, công ty cổ phần chỉ thay mặt cổ đông, “ông chủ” đích thực của họ, làm công việc đầu tư, nay có lời thì nộp thuế còn đâu thì chia trả lại cho các “ông chủ” mà thôi. Vậy sao lại đánh thuế 2 lần như vậy? Theo lý giải của Ban soạn thảo thì ở đây chẳng có gì khác biệt về 2 loại thu nhập, cả 2 đều từ đầu tư mà ra. Vậy theo lý giải của Ban soạn thảo thì nhà đầu tư trong các trường hợp trên không phải chịu thuế thu nhập từ cổ tức? 

Quang Hoan
Quang Hoan

Tin cùng chuyên mục