Thuế ô tô, xin hỏi Bộ Tài chính…

Ngày 11.3, Bộ Tài chính quyết định tăng thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ 60% lên 70%, trong khi giữ nguyên thuế suất nhập khẩu linh kiện cho ô tô lắp ráp trong nước. Chúng tôi thấy đã đến lúc Bộ Tài chính phải trả lời minh bạch những câu hỏi dưới đây. Trường hợp quý Bộ im lặng, công luận tin tưởng Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ trả lời.
Ô tô lắp ráp trong nước bày bán tại một cửa hàng ở TP.HCM
Ô tô lắp ráp trong nước bày bán tại một cửa hàng ở TP.HCM

1. Tại công văn số 819/VPCP-CN ngày 4.2.2008 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan căn cứ vào các cam kết của Việt Nam với WTO, CEPT/AFTA, xây dựng, công bố lộ trình giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô, phụ tùng ô tô phù hợp; nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và các chính sách tài chính khác đối với ô tô, phù hợp mục tiêu Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, phát triển giao thông trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế". Đây là một chỉ đạo hết sức sáng suốt, một khi được triển khai sẽ giúp người tiêu dùng biết rõ mình mua ô tô ở thời điểm nào thì sẽ chỉ phải trả giá bao nhiêu, qua đó làm cho vô số người tiêu dùng tạm hoãn mua ô tô để chờ thuế xuống, tổng cầu ô tô sẽ giảm mạnh, thị trường ô tô sẽ phải chịu một sức ép giảm giá ghê gớm (còn có giảm hay không lại tùy thuộc vào nhiều chuyện khác), VAMA sẽ phải chịu sức ép giảm giá để bán được xe, ô tô nhập khẩu sẽ về chậm hơn, vì nếu về nhanh sẽ bị những lô về sau chịu thuế suất thấp hơn gây sức ép. Vậy tại sao cho đến giờ này Bộ Tài chính vẫn chưa có động tĩnh gì đáp ứng chỉ đạo hết sức đúng đắn nêu trên của Chính phủ mà còn đáp lại bằng một quyết định tăng thuế nhập xe nguyên chiếc? Phải chăng Bộ Tài chính muốn trì hoãn vô thời hạn việc công bố lộ trình giảm thuế để dễ bề bảo hộ VAMA?

 

2. Giá nhập một chiếc ô tô dạng linh kiện và giá nhập một ô tô cùng loại dạng nguyên chiếc thực ra không cách nhau quá xa, cái khác nhau là các loại thuế mà hai loại xe này phải nộp cho ngân sách nhà nước. Người tiêu dùng thay vì mua xe nguyên chiếc sẽ mua xe lắp ráp, và khi đó nền kinh tế vẫn phải nhập khẩu một bộ linh kiện ô tô. Vậy căn cứ vào đâu để nói rằng tăng thuế nhập xe nguyên chiếc là để giảm nhập siêu?

 

3. Cho đến năm 2003, xe nhập khẩu nguyên chiếc phải đóng thuế nhập khẩu (TNK) 100%, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTTĐB) 80%, thuế VAT 10%; tức nếu giá nhập là 10 ngàn USD thì sau khi đóng đủ thuế, giá thành xe bằng 39,6 ngàn USD. Trong khi xe lắp ráp chỉ phải đóng thuế nhập khẩu bộ linh kiện trung bình cỡ 30%, thuế VAT 10% và không phải đóng thuế TTĐB (hiện nay thì phải đóng nhưng thời điểm đó thì không), tức là nếu giá nhập bộ linh kiện cứ cho là 10 ngàn USD đi, thì sau khi đóng đủ thuế, xe có giá thành là 14,3 ngàn USD.

 

Hai chiếc xe giống in hệt nhau, xe nhập nguyên chiếc giá thành 39,6 ngàn USD, xe lắp ráp giá thành 14,3 ngàn USD, vậy thì lợi nhuận của nhà lắp ráp có thể nói là ở mức cực kỳ phi lý. Tất nhiên để hưởng mức ưu đãi này, VAMA đã phải cam kết sẽ nội địa hóa việc sản xuất theo một lộ trình cụ thể. Nhưng thực tế VAMA đã phớt lờ chuyện nội địa hóa, như vậy họ đã hưởng một khoản ưu đãi thuế hàng tỉ USD mà xét về mặt pháp lý, họ hoàn toàn không được phép hưởng bởi hưởng khoản ưu đãi đó họ phải thực hiện nghiêm chỉnh lộ trình nội địa hóa. Ai đã cho phép mang món lợi kếch xù này cho không họ?

 

4. Ngay cả trước thời điểm 2003, thời điểm rực rỡ của các doanh nghiệp lắp ráp, số liệu kế toán ở các doanh nghiệp VAMA vẫn cho thấy tỷ lệ lãi chỉ từ 11-23% trong khi như con số đã nêu, giá thành xe của họ thấp xa xe nhập khẩu (14,3 ngàn USD so với 39,6 ngàn USD) trong khi giá bán hai loại không chênh nhau bao xa. Vậy nguyên nhân là do kê khai thuế thiếu trung thực hay do các doanh nghiệp lắp ráp đã cố tình nhập linh kiện giá cao để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp trong nước - một hình thức chuyển giá, chuyển lãi cho các doanh nghiệp khác cùng tập đoàn? Bộ Tài chính và liên bộ hữu quan có quan điểm gì và đã làm gì đối với hiện tượng này?

 

5. Nếu nêu lý do tăng thuế để giảm ùn tắc giao thông thì Bộ phải trả lời một lúc 2 câu hỏi: Thứ nhất, sao chỉ tăng thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc mà không tăng thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp? Chẳng lẽ xe nhập khẩu nguyên chiếc mới gây ùn tắc giao thông còn xe lắp ráp trong nước thì không? Thứ hai, cho đến nay chỉ ở Hà Nội và TP.HCM mới có tình trạng ùn tắc giao thông. Tại sao chỉ vì 10 triệu dân ở hai thành phố lớn này bị kẹt xe mà Bộ Tài chính bắt hơn 70 triệu dân còn lại phải chịu mua ô tô ở giá cao hơn? Công luận đã nhiều lần đề xuất nếu cần thì nên thu phí lưu hành ô tô ở Hà Nội và TP.HCM thật cao để hạn chế ô tô riêng ở hai thành phố này. Xe ngoại tỉnh khi vào 2 thành phố sẽ phải nộp phụ phí giao thông, còn xe ở hai thành phố này khi tới các tỉnh sẽ không phải nộp thêm phí giao thông. Đó là một biện pháp công bằng và minh bạch. Tại sao tới giờ này Bộ Tài chính chưa từng bàn với liên bộ để triển khai biện pháp này?

 

Thử đưa ra một vài phân tích về thị trường 2008

 

Năm 2007, sức mua của thị trường ô tô Việt Nam rất lớn, do rất nhiều người có tiền mua và quyết định mua ô tô (vì thắng chứng khoán, thắng từ buôn nhà đất, vì vay tiền dễ dãi từ ngân hàng, vì nhiều người tiêu dùng lạc quan quá mức tưởng rằng mình giàu to đến nơi) trong khi sức sản xuất của VAMA rất có hạn bởi lâu nay chỉ chạy theo lắp ráp ở quy mô nhỏ, muốn xoay chuyển để tăng công suất phải có thời gian. Tại thời điểm đó, dù VAMA có tăng giá bán thêm 10%-15% thì số lượng xe mà người mua sẵn sàng mua vẫn lớn hơn số lượng xe mà VAMA sẵn sàng bán, nghĩa là số lượng cầu vẫn lớn hơn số lượng cung. Đề nghị VAMA giảm giá bán vào thời điểm đó để góp phần giảm lạm phát thì đúng là chuyện không tưởng.

 

Nhưng năm nay tình hình đã khác, cần phải dự báo là tổng số tiền toàn xã hội dành ra cho việc mua sắm ô tô sẽ giảm mạnh. Khi các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cho vay hết hạn mức, đã thế lại phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1%, phải mua tín phiếu bắt buộc 20,3 ngàn tỉ đồng; tới đây số dư ngân sách nhà nước khoảng 50 ngàn tỉ đồng sẽ rút ra khỏi 5 NHTM quốc doanh để mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì tổng vốn khả dụng của toàn bộ hệ thống NHTM sẽ sụt giảm hàng trăm ngàn tỉ đồng, tương ứng với nó là tổng dư nợ tín dụng sẽ giảm khoảng dăm trăm ngàn tỉ đồng (tạm ước lượng bội số tăng tiền - money supply multiplier - của toàn bộ hệ thống NHTM bằng 5). Sức mua của toàn xã hội cho mọi loại sản phẩm trong đó có ô tô sẽ giảm dữ dội. Nhiều người định mua ô tô trả góp giờ sẽ không vay được tiền. Nhiều người sẽ vấp phải kết quả kinh doanh tệ hơn nhiều so với dự kiến và do vậy mà phải hoãn vô thời hạn việc mua xe, chưa kể rất nhiều người phải bán xe do thua lỗ chứng khoán, thua lỗ nhà đất, do ngân hàng hối thúc trả nợ vay.

 

Nếu NHNN kiên quyết tăng dự trữ bắt buộc (một hoạt động được Luật Ngân hàng nhà nước cho phép và hoàn toàn phù hợp thông lệ quốc tế), kiên quyết yêu cầu các ngân hàng thương mại mua tín phiếu bắt buộc vào ngày 17.3 (một biện pháp còn nương nhẹ hơn so với nâng dự trữ bắt buộc, vì tiền mua tín phiếu bắt buộc sẽ được hưởng lãi suất cao hơn tiền dự trữ bắt buộc nộp về NHNN), sớm chuyển tiền dư ngân sách nhà nước sang gửi ở NHNN (một hoạt động đúng đắn nhưng lâu nay NHNN và Bộ Tài chính có lẽ vì nể nang nhau mà chưa bao giờ đưa ra bàn thảo công khai và rốt ráo) thì sức mua (tổng cầu) của toàn nền kinh tế sẽ giảm mạnh. Do đó phải dự báo là tổng cầu ô tô sẽ giảm đi rất mạnh so với 2007. Và nếu chưa thấy giảm thì cũng chỉ vì các biện pháp thắt chặt tiền tệ nêu trên chưa được thực hiện nghiêm túc mà thôi. Không nên quá lo rằng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ quá lớn.

 

Thị trường ô tô năm 2008 chỉ bùng nổ trở lại, nếu thị trường chứng khoán cuối năm nay VN-Index lại tăng nóng lên trên 1.000 điểm. Và trên suốt quãng đường tăng giá đó lại có vài chục nghìn người giàu to, còn mấy trăm nghìn người còn lại thì lãnh đủ...


TN

Tin cùng chuyên mục