Thực thi ESG cần sự chủ động trong xu hướng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc thực hành chiến lược ESG (môi trường, xã hội, quản trị) thực chất không quá phức tạp và khó khăn như nhiều doanh nghiệp nhận định, nhưng cần sự chủ động và cập nhật các xu hướng mới.
Chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí vận hành… Chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí vận hành…

Chuyển đổi xanh

Theo khảo sát nhận thức của doanh nghiệp về giảm thải khí nhà kính và thị trường các-bon do Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân và VNExpress phối hợp thực hiện năm 2022, 77% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thức được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có tạo phát thải khí nhà kính.

Từ việc nhận thức về hoạt động của doanh nghiệp đang tác động đến môi trường đến hiểu rõ những cơ hội mà quá trình khử các-bon mang lại, doanh nghiệp Việt ngày càng có nhiều động lực hơn để bắt tay vào chuyển đổi xanh.

Thực hiện các thay đổi đối với cách thức kinh doanh hiện tại thường gây tốn kém trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí vận hành, giảm lãng phí về nguồn nước, tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, tối ưu chuỗi cung ứng, nhận diện các lĩnh vực tiềm năng để thiết kế các dòng sản phẩm sinh thái. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tránh được các loại thuế, phí liên quan đến các-bon và chất thải trong tương lai, từ đó tối ưu hoạt động và lợi nhuận.

Trên thế giới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là một phần quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu, chiếm 99% số lượng doanh nghiệp và chịu trách nhiệm cho phần lớn khí thải công nghiệp. Tuy nhiên, SMEs thường tự đánh giá bản thân thiếu các công cụ và nguồn lực cần thiết để giảm lượng khí thải nhà kính, thực thi ESG và theo đuổi mục tiêu dài hạn. Đây cũng chính là vấn đề mà các doanh nghiệp tại Việt Nam gặp phải. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 98% doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam rất hạn chế về nguồn lực để có thể đầu tư chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn.

Lên phương án hành động

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Thường trực, Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Phát triển bền vững và Biến đổi khí hậu, Deloitte Việt Nam

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Thường trực, Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Phát triển bền vững và Biến đổi khí hậu, Deloitte Việt Nam

Thực tế, việc thực hành chiến lược ESG thực chất không quá phức tạp và khó khăn như nhiều doanh nghiệp đang nhận định. Tùy vào nguồn lực và quy mô, các doanh nghiệp có thể lên phương án hành động phù hợp. Xuất phát từ các hành động đơn giản, doanh nghiệp sẽ bắt đầu làm quen và gia tăng quy mô, lan tỏa nghĩa vụ và trách nhiệm đến các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của mình.

Về yếu tố E (môi trường): Bắt đầu từ những bước nhỏ như sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng các sản phẩm xanh, không sử dụng túi ni-lông… là doanh nghiệp đã tiến một bước dài trong hành trình xanh hóa so với phần còn lại. Thay đổi cách nhìn, hành vi khi phân loại rác, gia tăng hoạt động tái chế, từ chối sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường, cắt giảm việc tiêu thụ sản phẩm không cần thiết sẽ mang đến những hiệu ứng tích cực ngay trong ngắn hạn, thúc đẩy doanh nghiệp kiên trì theo đuổi con đường ESG.

Về yếu tố S (xã hội): Song hành với mục tiêu phát triển kinh tế, kiến tạo xã hội bình ổn, văn minh cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong thời đại hiện nay. Việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh trong doanh nghiệp sẽ đóng góp không nhỏ vào khả năng nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người, cũng như xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững. Mục tiêu này có thể đạt được khi doanh nghiệp theo đuổi và thực hiện các chính sách, thúc đẩy điều kiện làm việc tốt cho người lao động và cho các nhân viên làm việc thuộc chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, hay không sử dụng lao động là trẻ em dưới độ tuổi lao động. Thúc đẩy văn hóa đa dạng và bao trùm, doanh nghiệp cần có lộ trình phát triển cho người lao động, đặc biệt tăng cường cơ hội việc làm cho phụ nữ, người yếu thế, gia tăng đào tạo và tạo cơ hội cho nữ quản lý tham gia vào các bộ máy lãnh đạo cấp cao như thành viên ban điều hành, hội đồng quản trị.

Về yếu tố G (quản trị): Đa số doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc tuân thủ quy định pháp lý và vẫn còn xa lạ với khái niệm quản trị vượt lên trên sự tuân thủ, áp dụng các thông lệ quản trị tốt. Trên con đường đi tới phát triển bền vững, yếu tố quản trị công ty hiệu quả, có văn hóa doanh nghiệp nơi hội đồng quản trị hiểu và làm đúng vai trò của mình là điều kiện không thể thiếu.

Doanh nghiệp nên tận dụng các công cụ kỹ thuật mang tính số hóa, vì đây là yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến môi trường sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như xã hội nói chung. Đồng thời, việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận hành bằng sức người trong chính doanh nghiệp.

Những hoạt động kể trên tuy đơn giản, nhưng cần được bắt đầu từ chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp và được khởi xướng từ ban lãnh đạo. Từ góc nhìn của Deloitte Việt Nam, ban lãnh đạo, đặc biệt trong các doanh nghiệp lớn nên được xây dựng với cấu trúc có một ủy ban phát triển bền vững nhằm cụ thể hóa mục tiêu, khung đánh giá và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các mục tiêu đó. Kết thúc mỗi năm, các báo cáo thực hành ESG cần được công bố rộng rãi.

Cơ hội từ ESG

Việc chủ động tham gia sớm quá trình chuyển đổi xanh, thực thi ESG sẽ mang lại lợi thế về khả năng tối ưu chi phí, tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp.

Các vấn đề về ESG ngày càng được quan tâm, dần trở thành yếu tố cộng hưởng, làm gia tăng các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp. Theo quan sát của Deloitte trên phạm vi toàn cầu, thị phần của các nhà đầu tư áp dụng nguyên tắc ESG cho ít nhất một phần tư danh mục đầu tư của họ đã tăng từ 48% năm 2017 lên 75% năm 2019. Các năm sau đó, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến chỉ số ESG trở nên quan trọng hơn đối với các nhà đầu tư.

Là mục tiêu cuối cùng của hành trình phát triển bền vững, ESG sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc và được quy định cụ thể trong hệ thống văn bản pháp luật. Thiếu chuẩn bị hoặc không sẵn sàng tham gia xu hướng ESG, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi muốn mở rộng quy mô, hoặc tham gia các thị trường quốc tế.

Phát triển theo định hướng ESG còn hỗ trợ doanh nghiệp quản trị hiệu quả rủi ro liên quan đến biến động về cung cầu, giá cả, xu hướng chuyển dịch chính sách và phí, thuế các-bon. Bên cạnh đó, mức độ nhận diện thương hiệu, hình ảnh trước khách hàng, các nhà đầu tư, tổ chức và chính phủ của doanh nghiệp sẽ được nâng cao nhờ những nỗ lực gắn liền với phát triển bền vững. Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng bền vững năm 2021 của Deloitte, 32% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ nếu các thương hiệu cung cấp hàng hóa, dịch vụ đó đảm bảo giảm lượng khí thải các-bon.

Nhìn chung, việc thực hành ESG sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, không chỉ gây dựng nền tảng tạo ra giá trị kinh tế bền vững, mà còn sản sinh những lợi ích lâu dài về thu hút vốn đầu tư chất lượng cao từ các nhà đầu tư trong nước. Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội từ thị trường vốn quốc tế, việc cập nhật xu hướng ESG mới sẽ giúp “ghi điểm” trong mắt của các tập đoàn đa quốc gia, hay các quỹ đầu tư lớn.

Một số xu hướng đáng lưu ý

Trong thời gian tới, có một số xu hướng ESG mới mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm.

Một là, công nghệ: Tập trung phát triển công nghệ để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát thải ra môi trường và sử dụng các công nghệ có thể sử dụng nguyên vật liệu thay thế hoặc tái chế.

Hai là, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo: Sẵn sàng các điều kiện để giảm thiểu năng lượng phát từ hóa thạch, thay thế bằng năng lượng sạch.

Ba là, môi trường làm việc linh hoạt: Trong bối cảnh Gen Z đang trên đường trở thành lực lượng lao động dồi dào và tinh nhuệ bậc nhất, điều kiện làm việc thích hợp, phù hợp với mong muốn làm việc từ xa, nơi các hệ thống được lập trình tự động/bán tự động sẽ là một điểm cộng lớn.

Bốn là, tối ưu hóa dữ liệu: Các dữ liệu cần thu thập để có thể chứng minh và đối chiếu, so sánh.

Năm là, xây dựng báo cáo theo quy chuẩn quốc tế: Chế độ báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế về phát triển bền vững IFRS S1, S2 đã ra đời, nối tiếp sau sẽ là các chuẩn mực S3 và S4 tập trung vào đa dạng sinh học và nhân quyền. Dù chưa phải là quy định có mức độ ràng buộc lớn, việc đón đầu và xây dựng quy chuẩn trước sẽ mang đến lợi thế không nhỏ cho các doanh nghiệp khi thâm nhập vào các thị trường khó tính quốc tế.

Hàng năm, Deloitte toàn cầu tổng hợp và công bố thông tin ESG thông qua báo cáo Global Impact, đánh giá tính hiệu quả của các sáng kiến, hành động dựa trên hệ thống tiêu chuẩn định tính và định lượng. Trong báo cáo năm 2022, Deloitte ghi nhận mức giảm phát thải 44% tính trên đầu người (từ năm tài chính 2019 - 2022), mức đầu tư xã hội chạm ngưỡng 1,2 tỷ USD (từ năm tài chính 2018 - 2022).

Trần Thị Thúy Ngọc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục