Thực phẩm chức năng giăng lưới người tiêu dùng

Sữa đội lốt thực phẩm chức năng, đông dược đội lốt thực phẩm chức năng cùng vô vàn loại sản phẩm đủ xuất xứ nội, ngoại khác đang từng ngày “giăng lưới” người tiêu dùng Việt.
Thực phẩm chức năng giăng lưới người tiêu dùng

Bủa vây khắp nẻo

Mặc dù kinh tế suy giảm, nhưng trong các năm 2012 - 2013, Việt Nam tiếp tục là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà sản xuất thực phẩm chức năng. Hàng loạt công ty kinh doanh thực phẩm chức năng đã mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam.

Trong khi các nhà sản xuất và phân phối không ngừng quảng bá tác dụng của các loại thực phẩm chức năng, thì kết quả điều tra năm 2011 của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, cứ 10 quảng cáo trên truyền hình về thực phẩm chức năng, có tới 2 sản phẩm chưa có giấy phép quảng cáo; cứ 10 quảng cáo đã có giấy phép, có 5 quảng cáo sai về nội dung so với công bố tiêu chuẩn.

Nhiều công ty kinh doanh thực phẩm chức năng tổ chức đi các vùng nông thôn, liên kết với hội phụ nữ, hội người cao tuổi tổ chức tuyên truyền, khám bệnh, xét nghiệm rồi bán sản phẩm thực phẩm. Các hoạt động này vi phạm Luật Khám chữa bệnh và các quy định quản lý của ngành y tế. Không ít sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Những cú lách luật “thượng thừa”

Năm 2013, người tiêu dùng Việt Nam đã bị sốc khi Công ty TNHH Mạnh Cầm (trụ sở tại Thanh Xuân, Hà Nội) bị cơ quan chức năng “tuýt còi” với sản phẩm sữa dê Danlait. Sản phẩm này đăng ký với cơ quan chức năng là “thức ăn bổ sung”, nhưng lại được bán ra như sữa bột công thức, khiến nhiều phụ huynh sử dụng cho trẻ thay sữa mẹ.

Không chỉ Danlait, nhiều sản phẩm thức ăn bổ sung của các hãng sữa nổi tiếng cũng đang quảng cáo trên truyền hình giống như sản phẩm sữa công thức, khiến nhiều người lầm tưởng với những sản phẩm sữa công thức.

Chẳng hạn, sản phẩm Enfakid, Enfa A+ của Mead Johnson được ghi là “sản phẩm dinh dưỡng”; sản phẩm Similac, Gain Plus của Abbott ghi là “thức ăn công thức”; sản phẩm NAN của Nestlé ghi “thực phẩm bổ sung”..., nhưng khi quảng cáo đều chạy dòng chữ “sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” - giống như các sản phẩm sữa công thức cho trẻ em.

Một loại sản phẩm khác cũng thường xuyên đội lốt thực phẩm chức năng là các sản phẩm đông dược. Vụ việc đình đám được người tiêu dùng biết đến gần đây là sản phẩm thực phẩm chức năng ANTOT - IQ của Traphaco gây ngộ độc cho người dùng. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) sau đó đã xử phạt Traphaco 25 triệu đồng do ghi sai nhãn.

Nhiều sản phẩm trà giảm béo, thực phẩm giải độc gan, hạ huyết áp, ổn định đường huyết, thậm chí là hỗ trợ điều trị ung thư, HIV/AIDS... được ghi là thực phẩm chức năng, nhưng đang quảng cáo công dụng như thuốc chữa bệnh.

Theo PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, vì con đường để được công nhận là một loại thuốc chữa bệnh quá công phu và tốn kém, nên không ít công ty đông dược đã tung ra thị trường những sản phẩm dưới danh nghĩa thực phẩm chức năng, nhưng kỳ thực lại là thuốc trị bệnh.

Hải Yến - Quang Hà (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục