Trên thực tế, những án phạt nặng như trên đã có tác dụng, bởi sau khi bị xử phạt, một số công ty đã thực hiện việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán sau thời gian dài chây ì tuân thủ nghĩa vụ này. Chẳng hạn, Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Ðịnh sau khi bị xử phạt đã đưa cổ phiếu lên thị trường UPCoM.
Tuy nhiên, theo cập nhật của Bộ Tài chính, trong bối cảnh số doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán lên tới con số 780, thì việc thúc đẩy lên sàn bằng cách xử phạt là chưa đủ, mà cần thêm những giải pháp mạnh tay hơn.
Ðại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung. Do đó, để gia tăng nhận thức của doanh nghiệp về thực hiện nghĩa vụ này, dự kiến đầu tháng 9 tới, Ủy ban sẽ phối hợp triển khai hai hội nghị tại hai miền Nam, Bắc để một lần nữa phổ biến quy định, cũng như giải đáp các thắc mắc nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên niêm yết/đăng ký giao dịch.
Sau bước đi trên, để xử lý các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện nhưng lại không đưa cổ phiếu lên sàn, ngoài tăng cường các biện pháp xử phạt, cơ quan quản lý sẽ đề xuất các giải pháp mới, trong đó có quy trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn.
Mặt khác, mục tiêu của việc đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán là đảm bảo cho lợi ích của nhà đầu tư có “chợ” giao dịch cổ phiếu hậu cổ phần hóa.
Nhiều ý kiến quan ngại, lợi ích này sẽ không thực chất nếu doanh nghiệp sau khi lên sàn tiếp tục tình trạng hoạt động kém minh bạch thông tin, vốn đang tồn tại với nhiều doanh nghiệp trên UPCoM và chất lượng quản trị không được cải thiện. Thống kê sơ bộ cho thấy, sàn UPCoM có tới 47 mã cổ phiếu có giá dưới 1.000 đồng/cổ phiếu; hai sàn niêm yết cũng có 15 mã (ACM, NHP, LCM, KSH, VIG, DPS...). Các loại hàng này lên sàn, doanh nghiệp không minh bạch hơn, mà nhà đầu tư thêm khó lựa chọn.
Thực tế trên đòi hỏi, đồng thời với việc thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, cơ quan quản lý cần triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao tính minh bạch, ý thức tự giác công khai thông tin, cải thiện chất lượng quản trị ngay còn khi là doanh nghiệp nhà nước, để việc đưa cổ phiếu lên sàn sẽ không có độ “vênh” so với các chuẩn minh bạch thông tin, quản trị theo quy định.
Theo đó, các kỷ luật về minh bạch thông tin áp dụng với khối doanh nghiệp nhà nước, vốn dĩ được xây dựng tiệm cận với chuẩn minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán cần được các doanh nghiệp tự giác tuân thủ, đồng thời nhà quản lý mạnh tay trong sử dụng “cây gậy” để buộc các doanh nghiệp tuân thủ.
Chỉ khi doanh nghiệp thực sự quan tâm đến cổ đông, tự giác tuân thủ các quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán thì ý nghĩa của việc thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn mới trọn vẹn, qua đó vừa gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường, vừa bảo vệ được nhà đầu tư, cải thiện tính minh bạch, chất lượng quản trị của doanh nghiệp.