Cần chặn thao túng và tăng công cụ đầu tư chuyên nghiệp

(ĐTCK) Để thu hút dòng tiền chuyên nghiệp, TTCK phải sạch, phải khỏe hơn, thao túng phải được đẩy lùi và cổ phiếu "rác" phải rời sàn chứng khoán.
Cần chặn thao túng và tăng công cụ đầu tư chuyên nghiệp

Thảo luận trên nghị trường Quốc hội mới đây, nhiều ý kiến đại biểu đã chỉ ra những hiện tượng bất cập của TTCK hiện nay và cho rằng, trên con đường tương lai, thị trường cần phải làm lại nhiều mảng việc.

Để thu hút dòng tiền chuyên nghiệp, TTCK phải sạch, phải khỏe hơn, thao túng phải được đẩy lùi và cổ phiếu "rác" phải rời sàn chứng khoán. Nhân dấu mốc TTCK bước sang tuổi 20, Báo Đầu tư Chứng khoán xin lược dẫn một số quan điểm cải thiện nền tảng thị trường.

"Cần tăng sở hữu nước ngoài, tăng minh bạch và giám sát trên TTCK"

Đại biểu quốc hội, Nguyễn Hữu Đức, Bình Định

Hiện tại, Nghị định của Chính phủ quy định về sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như pháp luật chuyên ngành, không quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi áp dụng tỷ lệ tối đa 49% cổ phần của công ty đại chúng.

Trong khi đó, Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trên TTCK phải tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Như vậy, về cơ bản vẫn chưa có quy định thông thoáng, hấp dẫn hơn để tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài cùng công ty đại chúng và công ty cổ phần không đại chúng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tôi cho rằng, để tương thích với xu thế mở cửa về đầu tư theo các hiệp định cam kết tới đây cần xem xét quy định cho phép có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao hơn mức hiện hành đối với nhà đầu tư nước ngoài trong những ngành nghề đầu tư có điều kiện mà chưa có quy định về sở hữu nước ngoài.

Vấn đề còn lại là tăng tính minh bạch và giám sát thị trường. Hai là có quy định làm căn cứ ban hành chính sách cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu cao hơn mức quy định theo cam kết hoặc theo pháp luật chuyên ngành nhưng không thay đổi quyền biểu quyết theo tỷ lệ cam kết.

"Thao túng, làm giá ảnh hưởng đến niềm tin nhà đầu tư"

Đại biểu quốc hội, Nguyễn Hữu Quang, Thanh Hóa

TTCK Việt Nam bước sang tuổi 20 năm có những đóng góp đáng kể vào việc cung ứng vốn cho nền kinh tế quốc dân. Tỷ trọng cung ứng vốn từ TTCK tăng dần theo từng năm và hiện nay đã chiếm gần 30%.

Cơ cấu vốn đang chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng thị trường tín dụng và tăng dần tỷ trọng TTCK. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của nền kinh tế và tiềm năng của thị trường thì những kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.

Cần chặn thao túng và tăng công cụ đầu tư chuyên nghiệp ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Hơn nữa, thực tiễn vận hành TTCK thời gian vừa qua cho thấy, vẫn còn nhiều hiện tượng tiêu cực như làm giá, thao túng một số mã cổ phiếu. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của TTCK và suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh huy động vốn quan trọng này.

Do vậy, để TTCK phát triển lành mạnh, cần phải xử lý nhiều vấn đề, nhưng cần tập trung vào những điểm quan trọng. Chẳng hạn, hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, số DN trên sàn này nhiều hơn số DN trên 2 sàn niêm yết cộng lại.

Nếu không có giải pháp pháp lý buộc các DN sau cổ phần hóa phải hoàn thiện những điều kiện cần thiết và lên sàn niêm yết thì sẽ dẫn đến tình trạng dồn toa, không tốt cho DN và cũng không tốt cho thị trường.

Thứ đến là sản phẩm. TTCK đang có sản phẩm cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh, nhưng có một loại hình cổ phiếu, một loại chứng chỉ rất quan trọng mà chúng ta chưa khai thác hết, đó là cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR).

Có một số ngành và lĩnh vực cần phải giới hạn sở hữu của khối ngoại, nên nếu có một loại chứng khoán cho phép khối ngoại mua để hưởng lợi ích tài chính, chứ không có quyền biểu quyết thì sẽ tốt cho cả bên mua và bên bán trên TTCK Việt Nam.

NVDR đã xuất hiện trên thị trường Mỹ cả 100 năm và cách đây hơn 10 năm thì ở Thái Lan người ta đã áp dụng. Tôi cho rằng, nếu chúng ta đưa loại hình NVDR vào thị trường chứng khoán thì sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài và như vậy chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta sẽ đồng bộ hơn.

Nền kinh tế hiện nay đang phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tức là đầu tư trực tiếp mà chúng ta chưa phát triển mạnh kênh đầu tư gián tiếp. Đây là việc cần xử lý trong tương lai TTCK Việt Nam.

"Cần tăng tiêu chuẩn Doanh nghiệp đại chúng và giúp nhà đầu tư nhỏ bớt thua lỗ"

Đại biểu quốc hội, Trần Hoàng Ngân, TP. HCM

TTCK Việt Nam đi vào hoạt động từ tháng 7/2000, từ 2 cổ phiếu ban đầu được niêm yết năm 2000, nay thị trường có tới 1.552 cổ phiếu được niêm yết, đăng ký giao dịch. Giá trị thị trường năm 2006 chiếm khoảng 20% GDP, còn hiện tại trên 100% GDP nếu chúng ta tính luôn cổ phiếu và trái phiếu.

Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều người khác cũng lo lắng cho sự an toàn trên thị trường này. TTCK Việt Nam có nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ khi quy định pháp lý về công ty đại chúng mới ở mức 10 tỷ đồng vốn điều lệ và 100 cổ đông. Theo tôi, vốn điều lệ của công ty phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng là chúng ta phải nâng lên xứng tầm với tên gọi sau khi phát hành là công ty đại chúng.

Ở Mỹ hiện nay thì công ty đại chúng phải có từ 300 cổ đông trở lên, ở Trung Quốc là khoảng 200 cổ đông. Ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng, để gọi là công ty đại chúng thì DN phải có từ 200 cổ đông trở lên. Tôi nghĩ, dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung tới đây nên cân nhắc
điểm này.

Tại sao đối với công ty đại chúng, vốn điều lệ phải cao và cổ đông phải đa dạng? Đó là bởi vì chúng ta hay nói DN nhỏ và vừa, mà DN nhỏ và vừa có thể hoạt động dưới nhiều hình thức có thể là công ty cổ phần, có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn, có thể là doanh nghiệp tư nhân, nhưng đã gọi là đại chúng rồi thì phải tuân thủ theo Luật Chứng khoán.

Theo đó, công ty đại chúng này phải niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán. Công ty đại chúng phải công bố thông tin theo quy định, bản báo cáo tài chính của công ty phải được kiểm toán…

Nói như vậy có nghĩa đã gọi là công ty đại chúng là một cấp độ khác, các DN phải tốn nhiều chi phí để thực hiện các nghĩa vụ và kèm theo đó là các quyền lợi của loại hình DN này. Vì tốn nhiều chi phí nên nếu vốn của DN chỉ có nhỏ thôi thì DN khó làm tốt nghĩa vụ của công ty đại chúng.

Theo nghiên cứu của tôi, thị trường tương thích với Việt Nam về quy mô có thể lấy Philippines. Ở Philippines, công ty đại chúng là 100 triệu peso, tương ứng 45 tỷ đồng Việt Nam. Công ty đại chúng của Nhật Bản phải có vốn tối thiểu 500 triệu yên, tức là 100 tỷ đồng. Công ty Trung Quốc là 30 triệu nhân dân tệ, tức là 100 tỷ đồng... Vì lẽ đó đã gọi là công ty đại chúng thì vốn phải ở mức cao mới xứng tầm tên gọi và trách nhiệm với cổ đông, với thị trường.

Cần chặn thao túng và tăng công cụ đầu tư chuyên nghiệp ảnh 2

Một thực tế nữa là hiện nay, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nhỏ thường thua lỗ bởi họ đang bị ảnh hưởng bởi sự lũng loạn, bị thao túng giá. Mặc dù đầu tư chứng khoán là phải chấp nhận rủi ro, nhưng khi thao túng giá xảy ra, câu hỏi đầu tiên luôn là: Ai là người chịu trách nhiệm?

Tôi đồng ý nâng cao quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng cơ quan này phải chịu trách nhiệm khi thị trường xảy ra thao túng, lũng đoạn. Quy định pháp lý phải bảo vệ nhà đầu tư và điều này càng cụ thể, càng rõ ràng càng tốt trong văn bản luật.

"Cần làm sạch cổ phiếu "rác" trên sàn"

Đại biểu quốc hội, Nguyễn Phi Thường, TP. Hà Nội

Có 2 hiện tượng phổ biến trên thị trường chứng khoán hiện nay. Thứ nhất, cổ phiếu "trà đá", hiện nay rất nhiều mã chứng khoán mất thanh khoản, giá cả nhiều năm không vượt nổi mệnh giá, gọi là cổ phiếu peny, cổ phiếu "rác" hay là cổ phiếu trà đá vì giá tương đương với cốc trà đá vài nghìn đồng, trên sàn TP.HCM có cả trăm cổ phiếu đang niêm yết có giá dưới mệnh giá nguyên do là kết quả kinh doanh bết bát cộng thêm việc liên tục phát hành cổ phiếu khiến nhà đầu tư mất niềm tin, nhưng đây lại là những mã chứng khoán yêu thích của các "đội lái", khi giá có thể tăng trần hoặc sàn liên tục mà không rõ lý do.

Trên sàn niêm yết tại Hà Nội và sàn công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM), số lượng cổ phiếu loại này còn lớn gấp nhiều lần, với trên dưới 500 cổ phiếu, cổ phiếu loại này nhà đầu tư mua bao nhiêu cũng không có quyền lợi gì, cổ tức hàng năm chia cũng toàn là "giấy", chỉ chủ doanh nghiệp quan tâm đến lướt sóng, tạo sóng với những dự án "bánh vẽ".

Ngoài ra, còn có hàng trăm cổ phiếu không có giao dịch, đây chính là nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam có thanh khoản thấp so với số lượng cổ phiếu trên sàn. Tôi đề nghị cần phải cuộc cải tổ thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự, siết lại các quy định, tiêu chuẩn niêm yết, quyết liệt loại bỏ các cổ phiếu không đủ tiêu chí khỏi sân chơi, không để ảnh hưởng đến thị trường, giảm rủi ro, mang lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Thứ hai, về vấn đề thao túng giá chứng khoán. Sàn UPCoM là sàn không có tiêu chuẩn xét duyệt hồ sơ, cổ phiếu đủ điều kiện đại chúng thì đăng ký lên sàn giao dịch. Khác với sàn UPCoM, sàn niêm yết là sàn có tiêu chuẩn để doanh nghiệp niêm yết lên sàn, hồ sơ doanh nghiệp phải qua tư vấn công ty chứng khoán, kiểm toán của công ty kiểm toán, phê duyệt niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán; nhiều khâu giám sát, thẩm định như vậy nhưng sàn niêm yết vẫn có không ít cổ phiếu rác. Luật Chứng khoán sửa đổi lần này phải chặn được hiện tượng trên.

Trong số hàng trăm doanh nghiệp đó, có doanh nghiệp vì kinh doanh khó khăn, lụi tàn khi lên sàn; nhưng tôi muốn đề cập những doanh nghiệp lên sàn để trục lợi, kịch bản là doanh nghiệp tăng vốn khủng trước khi lên sàn sau đó bán cổ phiếu cho đủ 100 cổ đông, đủ điều kiện đại chúng, thực hiện một số kỹ thuật làm đẹp báo cáo tài chính rồi thuê tư vấn làm thủ tục lên sàn.

Lúc mới chào sàn, cổ phiếu giao dịch sôi động với mức giá cao, nhưng một thời gian sau đội lái biến mất thì thanh khoản rơi dần, đà rơi của giá cổ phiếu và thanh quản là mất mát tiền bạc của hàng ngàn nhà đầu tư.

Nền tảng pháp lý hiện nay không ngăn được hiện tượng này, Luật Chứng khoán mới cần hết sức quan tâm xử lý, đồng thời bổ sung trách nhiệm của tư vấn kiểm toán xét duyệt hồ sơ lên sàn.

Thông lệ quốc tế, tổ chức tư vấn phát hành và bảo lãnh phát hành có trách nhiệm lớn trong chào bán, phát hành chứng khoán, đặc biệt là nội dung, tính chính xác, trung thực của bản cáo bạch và phải thực hiện soát xét đặc biệt bản cáo bạch này.

Thứ ba, cần nâng cao chất lượng hàng hóa, chuẩn mực thông lệ quốc tế để thu hút được vốn ngoại, nâng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cần có lộ trình, như trước mắt xử lý với các cổ phiếu trong rổ cổ phiếu VN30, kiểm toán cần các công ty kiểm toán thuộc Big 4, báo cáo nên có thêm báo cáo tiếng Anh để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục