Gắn lợi ích doanh nghiệp với sàn niêm yết

(ĐTCK) Ít nhất cho đến giai đoạn 2020-2023, việc Việt Nam có 2 sàn niêm yết vẫn sẽ là câu chuyện hiện hữu.
Gắn lợi ích doanh nghiệp với sàn niêm yết

Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đang tiếp nhận hồ sơ niêm yết của nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có DN muốn niêm yết mới, có DN chuyển sàn từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) sang như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, CTCP Dược phẩm Bến Tre, CTCP Licogi 14…

Hoạt động chuyển sàn là câu chuyện ít ai muốn nói đến. Tuy nhiên, xu hướng này có thể vẫn sẽ tiếp diễn, khi mà phân khúc các khu vực thị trường dự kiến đến giai đoạn 2020-2023 mới thực hiện được.

Theo Ðề án thành lập Sở GDCK Việt Nam, vận hành TTCK Việt Nam sẽ gồm có 3 Sở GDCK, Sở mẹ (Sở GDCK Việt Nam) và 2 Sở con (HOSE và HNX). Theo đó, khi Sở GDCK Việt Nam được thành lập, HOSE và HNX vẫn hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân riêng. Như vậy, ít nhất cho đến giai đoạn 2020-2023, việc Việt Nam có 2 sàn niêm yết vẫn sẽ là câu chuyện hiện hữu.

Niêm yết cổ phiếu, về cơ bản, các DN hướng đến 2 lợi ích chính. Thứ nhất là tạo nơi giao dịch cho cổ đông, cổ phiếu của DN có cơ hội được định giá đúng và dễ dàng chuyển nhượng. Thứ hai, DN được tiếp cận kênh huy động vốn mới, huy động vốn từ các nhà đầu tư thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu mới trên sàn.

Khi 2 lợi ích cơ bản này được thỏa mãn, các DN có lý do để gắn bó với sàn niêm yết. Ở chiều ngược lại, mong muốn chuyển sàn là điều khó tránh khỏi, bởi mục tiêu hoạt động của DN luôn là tìm cách tối đa hóa lợi ích cho chính mình.

Quan sát từ thực tế cho thấy, không phải mã nào chuyển sàn cũng được định giá cao hơn hay thanh khoản tốt hơn, bởi vấn đề cốt lõi vẫn là DN có giá trị ở mức nào và giá trị đó có được nhà đầu tư nhận diện rõ hay không.

Tuy nhiên, tâm trạng chưa thỏa mãn với hiện trạng thị giá và thanh khoản khi lên sàn là khá phổ biến. Chẳng hạn, CTCP Dược phẩm Bến Tre (DBT) đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HNX từ năm 2009. DBT có hiệu quả kinh doanh khá ổn định, trả cổ tức đều đặn 10-15% bằng tiền mặt hàng năm.

Chào sàn ban đầu với giá 42.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện DBT được định giá quanh 10-11.000 đồng, với thanh khoản hạn chế. Thực tế này khiến Ðại hội đồng cổ đông 2018 của DBT quyết định sẽ chuyển sang niêm yết trên HOSE với hy vọng cải thiện lợi ích cho cổ đông và Công ty. Một số doanh nghiệp khác như CTCP Phục Hưng, CTCP Viglacera, CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí… cũng đã và đang thực hiện thủ tục chuyển sàn với kỳ vọng đạt hiệu quả niêm yết cao hơn.

Trong một chia sẻ mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, giao dịch bình quân/phiên tại 2 Sở đạt 6.500 tỷ đồng/phiên.

Con số này tăng 29% so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu so với giá trị vốn hóa (3.900 triệu tỷ đồng) thì tỷ lệ thanh khoản mới chỉ đạt 0,00016% - một tỷ lệ quá thấp so với tỷ suất vòng quay chứng khoán cơ bản (0,05%). Khi thanh khoản hạn chế, việc huy động vốn mới từ đại chúng của các DN rất khó thực hiện được, có chăng chỉ thực hiện được ở  một nhóm các DN lớn hoặc DN có lợi thế đặc biệt, thu hút nhà đầu tư. 

Các DN đại chúng phải niêm yết, đăng ký giao dịch là quyết sách lớn của Chính phủ và đây cũng là căn cứ pháp lý mạnh mẽ nhất đưa hàng trăm DN lên sàn mỗi năm, giúp sàn chứng khoán Việt Nam liên tục tăng mạnh về quy mô trong 5 năm gần đây.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng quy mô, làm thế nào giúp TTCK vận hành hiệu quả hơn, các DN đạt được lợi ích thực sự khi lên sàn, gắn bó với sàn niêm yết là những vấn đề dư luận rất quan tâm trước thềm Việt Nam có Sở GDCK mới.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục