5 xu hướng ứng dụng công nghệ blockchain nổi bật toàn cầu
Hiện nay có 5 xu hướng ứng dụng công nghệ blockchain nổi bật là: Quỹ hoán đổi danh mục đầu tư Bitcoin giao ngay (Spot Bitcoin ETF), Token hóa tài sản thực (RWA), Tài chính phi tập trung (DeFi), Metaverse kết hợp AI, và Thúc đẩy khung pháp lý VA-VASP toàn cầu.
Xu hướng thứ nhất là Spot Bitcoin ETF. Ngày 10/1/2024 Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã chấp nhận ETF Bitcoin giao ngay cho 11 quỹ đầu tư, bao gồm cả những tên tuổi rất nổi tiếng như Quỹ Black Rock trên 35 năm tuổi với tổng tài sản đang quản lý hơn 10.500 tỷ USD. Đây được coi là sự kiện cực kỳ quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của loại tài sản này.
Thông qua các quỹ này, mỗi ngày có gần 10 tỷ USD đổ vào thị trường chứng khoán Mỹ. Đáng chú ý, tính đến 29/2/2024, chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi được thông qua, tổng giá trị của các quỹ ETF Bitcoin giao ngay ở Mỹ đã đạt 43,2 tỷ USD, bằng hơn một nửa so với mức 92,3 tỷ USD tổng giá trị của các quỹ ETF vàng có tuổi đời gần 20 năm.
Xu hướng thứ hai là token hóa tài sản thực (RWA), cho phép mọi người mang tất cả các loại tài sản lên blockchain, một mạng lưới giao dịch xuyên biên giới, bao gồm trái phiếu chính phủ, hàng hoá... Khởi đầu xu hướng này là các đồng stablecoin mà đơn vị dẫn đầu hiện tại là Tether với đội ngũ chỉ 50 người nhưng đã mang vào thị trường khoảng 40 tỷ USD.
Theo dự báo của Tập đoàn BCG, tổng tài sản RWA sẽ chiếm 10% GDP toàn cầu vào năm 2030, đạt 16.000 tỷ USD, tăng gấp 20 lần so với mức 0,3 - 0,6% GDP toàn cầu hiện nay.
Danh sách 11 quỹ đầu tư được SEC phê duyệt ETF Bitcoin giao ngay ngày 10/1/2024 (2 quỹ Invesco và Galaxy giao dịch chung một mã BTCO nên được tính là một thực thể) |
Xu hướng thứ ba là tài chính phi tập trung (DeFi). Đây là một khái niệm đã được đông đảo cộng đồng nhắc đến nhiều, nhưng vấn đề đáng chú ý của năm 2024 và những năm kế tiếp là bản chất phi tập trung của ngành này đang bắt đầu lan sang các ngành khác như là cơ sở hạ tầng phi tập trung (DePIN), mạng xã hội phi tập trung (deSocial) và DeScience hỗ trợ cho các nhà khoa học.
Xu hướng thứ tư, Metaverse kết hợp AI, được đánh dấu bằng sự quay trở lại cổ phiếu Facebook khi tăng gấp đôi trong một năm và gần như gấp ba giá trị trong hai năm hay The Sandbox với trị giá khoảng 1,4 tỷ USD. Hiện tại, The Sandbox cũng đang bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2024.
Xu hướng thứ năm là tiến trình thúc đẩy khung pháp lý VA-VASP toàn cầu đang được đẩy mạnh theo hướng tích cực. Theo nghiên cứu mới nhất tại 60 quốc gia của Hội đồng Đại Tây Dương (AC), đến tháng 12/2023 đã có 32/60 quốc gia coi rằng tài sản ảo là hợp pháp, bao gồm 10 quốc gia trong nhóm G20, chiếm 50% GDP toàn cầu. Nghiên cứu cũng chỉ ra 19 quốc gia cấm một phần và chỉ 8 quốc gia cấm toàn bộ.
Blockchain ứng dụng tại Việt Nam: Khung pháp lý VASP sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường vốn
Thị trường Việt Nam có mức độ chấp nhận cao và sự cởi mở của lao động trẻ đối với tiền mã hoá ở mức độ hàng đầu thế giới, tuy nhiên, hiệu quả ứng dụng lại chưa tương xứng và vẫn còn thiếu hụt hàng lang pháp lý quản lý VA-VASP.
Theo Chainalysis, từ 7/2022 - 7/2023 có 120 tỷ USD chảy vào Việt Nam thông qua tài sản mã hóa, gấp gần 5 lần so với con số 25 tỷ USD tổng số vốn FDI. Con số này thậm chí còn vượt cả Thái Lan dù nền kinh tế ngầm tại đây chiếm 40% tổng GDP.
Theo Triple A, 20% dân số của Việt Nam, tương đương 20 triệu người sở hữu tài sản ảo, đứng thứ ba trên toàn cầu về số lượng, chỉ sau Mỹ với 48 triệu người và Ấn Độ, quốc gia hơn một tỷ dân, với 93 triệu người. Ở thành phần kinh tế tư nhân, hay những người lao động tự do, khoảng 85% đang sở hữu tài sản mã hóa và 35% trong số họ chấp nhận thanh toán bằng tài sản mã hóa.
Tuy nhiên, trái ngược với mức độ chấp nhận tiền mã hoá, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ blockchain ở diện rộng vẫn đang là một bài toán khó ở Việt Nam.
Theo ghi nhận của VBA, thông qua 2 hội thảo lớn về phòng chống rửa tiền qua giao dịch tiền mã hoá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng thương mại cho biết, họ có quan tâm, nghiên cứu hoặc thử nghiệm hệ thống thanh toán ứng dụng Blockchain nhưng đều đã dừng do chi phí hơn thanh toán phương thức truyền thống.
Lý do là các ngân hàng này chủ yếu hoạt động nội địa chứ chưa mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực, toàn cầu khiến cho vai trò xuyên biên giới của blockchain chưa phát huy được giá trị trong khi chi phí vận hành lớn. Nhìn rộng hơn, thực tế cho thấy Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp lớn để ứng dụng công nghệ này.
Ngoài ra, chính sách quản lý VA và VASP chưa có, nhưng đang được Chính phủ quyết liệt yêu cầu hoàn thiện trước tháng 5/2025 thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, ban hành theo Quyết định 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Ở góc độ tích cực, việc ban hành một khung pháp lý phù hợp sẽ giúp Việt Nam chuyển hóa giá trị của VA-VASP từ kinh tế ngầm sang nền kinh tế chính thức, giúp bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ chính sách thuế, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố. Đồng thời, giúp giải bài toán về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác đều khó khăn nhưng dòng tiền đổ qua tài sản mã hóa về Việt Nam cao gấp 5 lần vốn FDI là con số đáng suy nghĩ.
Đặc biệt, hành động quyết liệt của Chính phủ trong việc yêu cầu ban hành khung pháp lý quản lý VA-VASP cùng với Chiến lược Blockchain Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang chuẩn bị được ban hành, được kỳ vọng sẽ là cơ sở giúp Việt Nam mở rộng cửa đón nhận những cơ hội đóng góp của VASP vào nền kinh tế chính thức và mạnh mẽ hơn.