Các tài sản được mã hóa - đại diện cho các tài sản cơ bản - được trao đổi trên công nghệ sổ cái phân tán (DLT) cũng được sử dụng cho tiền điện tử. Các ngân hàng kỳ vọng giao dịch tài sản mã hóa sẽ phát triển như một cách giúp giao dịch nhanh hơn, rẻ hơn và minh bạch hơn.
Tuy nhiên, việc thiếu các quy định toàn cầu gắn kết đang khiến tài sản không thể di chuyển suôn sẻ trên các blockchain khác nhau. Các giám đốc điều hành trong ngành tại một sự kiện ở Amsterdam tuần này cho biết, tiến trình phát triển tài sản token hóa đang diễn ra chậm chạp và việc tiếp nhận cho đến nay vẫn còn hạn chế.
Georgios Vlachos, đồng sáng lập của công ty tương tác blockchain Axelar, đồng tác giả của báo cáo cho biết, các yêu cầu về khách hàng và tuân thủ rất khác nhau trên toàn cầu để có một giải pháp cố định và duy nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi người.
“Ở tình trạng hiện tại, các khu vực pháp lý quản lý khác nhau đang tiến triển với tốc độ khác nhau và có các lĩnh vực trọng tâm khác nhau”, ông cho biết.
Deutsche Bank cho biết trong báo cáo rằng điều cần thiết là phải có các phương pháp tiếp cận được ngành chấp nhận để đánh giá rủi ro nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng.
Tuy nhiên, Boon Hiong Chan, người đứng đầu bộ phận Chứng khoán & Công nghệ của Deutsche Bank tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Các tiêu chuẩn được phát triển quá sớm có thể khiến ngành mất đi các giải pháp phát triển tốt hơn hoặc trở nên không phù hợp”.
Northern Trust kỳ vọng rằng đến năm 2030, quy mô thị trường tài sản kỹ thuật số sẽ tăng lên từ 5 - 10% trong số 13.000 tỷ USD tài sản mà họ nắm giữ.
Theo dữ liệu từ Dune Analytics, hiện tại có khoảng 85,12 tỷ USD tài sản bao gồm chứng khoán chính phủ, stablecoin được hỗ trợ bằng tiền pháp định và hàng hóa được mã hóa.
Báo cáo về giao dịch dựa trên blockchain được công bố bởi Axelar Foundation và công ty đánh giá rủi ro tài sản kỹ thuật số Metrika, cùng với sự đóng góp của Citi, Deutsche Bank, Mastercard và Northern Trust.