Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản sang thị trường Trung Quốc

Hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến; đồ uống... sẽ tham gia giới thiệu, chào bán sản phẩm tới các nhà nhập khẩu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Thu hoạch vải thiều Thanh Hà, Hải Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) Thu hoạch vải thiều Thanh Hà, Hải Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bộ Công Thương cho biết Bộ đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cùng với việc tìm hiểu thêm các thị trường, giới thiệu thông tin các sản phẩm nông sản của Việt Nam, nhất là quả vải thiều tươi, các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường còn giới thiệu thêm các sản phẩm mà Việt Nam chế biến sâu và đây là định hướng để có thể thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, từ 26-27/5, Cục Xúc tiến thương mại và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Quốc tế Trung Quốc - Chi nhánh tỉnh Vân Nam (CCPIT Vân Nam) sẽ tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam-Trung Quốc (Vân Nam).

Cụ thể, 21 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản (rau, củ, quả tươi, sấy khô, các loại hạt, gia vị...); thủy sản (khô, đông lạnh và đóng hộp); thực phẩm chế biến; đồ uống (càphê, sữa, nước ép trái cây...)… sẽ tham gia giới thiệu, chào bán sản phẩm tới các nhà nhập khẩu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tại hội nghị.

Từ đầu năm đến nay, để ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh COVID-19, chính quyền Trung ương Trung Quốc nói chung và chính quyền các địa phương nước này nói riêng đã ban hành nhiều biện pháp phòng chống dịch. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm các loại ở Trung Quốc.

Theo ông Đỗ Quốc Hương, Phụ trách Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh (tỉnh Vân Nam), hiện nay trên địa bàn tỉnh Vân Nam, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã cơ bản được khôi phục hoàn toàn, nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Thông tin từ ngành nông nghiệp Vân Nam cho thấy, vụ mùa Xuân Hè năm nay sẽ không thực hiện được theo như kế hoạch đặt ra. Chính quyền tỉnh Vân Nam đang chỉ đạo sát sao để lấy vụ Hè Thu và vụ Đông Xuân thời gian tới bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa nông sản, thực phẩm hiện thời của tỉnh.

Hiện chưa có báo cáo đánh giá chính thức, nhưng theo dự báo của Sở Thương mại Vân Nam, thời gian từ nay đến hết tháng 6/2020, thị trường tỉnh Vân Nam sẽ thiếu hụt một số lượng lớn (khoảng 25-35%) các loại hàng hóa nông sản thiết yếu (nhóm hàng rau quả, lương thực, thực phẩm...) phục vụ cho đời sống nhân dân.

Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh dự báo, nhu cầu về lương thực, thực phẩm tại thành phố Côn Minh nói riêng và tỉnh Vân Nam nói chung trong thời gian tới sẽ ngày càng tăng cao. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần thúc đẩy giao thương để nắm bắt cơ hội kinh doanh các sản phẩm này với tỉnh Vân Nam.

Thời gian qua, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nhưng không vì vậy mà hoạt động xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam bị gián đoạn.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại), cho hay đơn vị này đã nhanh chóng đánh giá diễn biến và xu hướng thị trường Trung Quốc trên cơ sở tác động của dịch bệnh; đồng thời tiến hành trao đổi với hàng loạt các cơ quan thương mại các tỉnh, thành tiềm năng của Trung Quốc về việc đồng hợp tác tổ chức các chương trình giao thương trực tuyến cho doanh nghiệp hai bên.

Các hoạt động này sẽ hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp duy trì các mối liên hệ đối tác thường xuyên, liên tục và tiếp tục thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh triển vọng ngay cả trong thời kỳ phòng chống dịch.

Chỉ riêng thị trường Trung Quốc, Cục Xúc tiến thương mại đã có kế hoạch thực hiện khoảng từ 8-10 sự kiện kết nối giao thương, sử dụng phương thức “triển lãm đám mây” và “không tiếp xúc trực tiếp” trong năm 2020.

Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản sang thị trường Trung Quốc ảnh 1

Chế biến nông sản xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam-Trung Quốc (Vân Nam) 2020 là sự kiện giao thương trực tuyến thứ ba với thị trường Trung Quốc do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện trong gần hai tháng qua.

Ngay sau sự kiện với Vân Nam, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục tổ chức hàng loạt các sự kiện giao thương trực tuyến khác với các tỉnh, thành khác của Trung Quốc như Quảng Tây, Sơn Đông, Thanh Hải, Trùng Khánh, Chiết Giang…, bà Thủy thông tin thêm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy trong ba tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau, quả đạt 890 triệu USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, xuất khẩu rau, quả có mức giảm mạnh so với mặt bằng nông sản nói chung.

Sở dĩ vậy bởi mặt hàng này có thời gian bảo quản ngắn, thông quan nhanh, trong khi đó, thị trường xuất khẩu rau, quả chủ yếu là Trung Quốc, chiếm khoảng 60%. Chỉ riêng trong ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau, quả sang thị trường này giảm trên 22%.

Mặc dù các doanh nghiệp, thương nhân đã có sự điều chỉnh thị trường, nhưng tăng trưởng ở các thị trường khác chỉ khoảng 4-10%, không bù đắp được mức sụt giảm ở thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn tắc nghẽn xuất khẩu do dịch COVID-19 sang thị trường Trung Quốc thời gian qua đã được cả hai bên đẩy mạnh, các cửa khẩu đã dần được mở rộng thêm và thời gian thông quan đã tăng. Do đó, việc xuất khẩu sẽ dần trở lại bình thường trong thời gian tới.

Để thích ứng trong bối cảnh dịch COVID-19 cũng như đảm bảo xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật các thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới để có sự điều chỉnh, ứng phó phù hợp. Những thông tin này cũng được Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật trên cổng thông tin của Bộ.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục