Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, con số tăng trưởng doanh thu 40% trong quý I so với cùng kỳ 2019 là nỗ lực lớn của toàn Tập đoàn.
Bởi theo ông Hùng, với quy mô sản xuất lớn, đòi hỏi nhu cầu nguyên liệu rất cao, thị trường đầu ra rộng khắp từ trong nước tới khu vực, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và EU, Nafood cũng bị ảnh hưởng rất lớn cả về đầu vào lẫn đầu ra.
“Ðích thân tôi đã gửi thư cho nhà cung cấp là các nông hộ cũng như hầu hết các đối tác, khách hàng khắp nơi trên thế giới để họ yên tâm và chia sẻ với khó khăn của Nafoods”, ông Hùng chia sẻ.
Ðể giải quyết khó khăn dòng tiền, lãnh đạo Nafood cho biết, doanh nghiệp cân đối các khoản vay của ngân hàng và các khoản tiền doanh thu thu về từ các khách hàng.
Trên cơ sở nhà cung cấp nào cần gấp thì thanh toán trước, đồng thời với khả năng đảm bảo cung ứng đơn hàng, doanh nghiệp đã được nhiều khách hàng tại EU, Mỹ và Thụy Sỹ chấp nhận ứng một phần tiền trước, giúp doanh nghiệp vẫn có thể cân đối dòng tiền.
Tương tự, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, song doanh nghiệp vẫn duy trì công suất hoạt động của các nhà máy chế biến nông sản, đảm bảo trả nguyên lương cho hơn 1.400 lao động.
Với đầu ra vẫn đảm bảo nhờ đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, hiện Hùng Nhơn đang duy trì sản lượng sản xuất chế biến lên tới trên 20.850 tấn/tháng.
“Dự báo trong 3 tháng tới, Hùng Nhơn vẫn dự kiến tăng trưởng 3 - 5% và tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất”, ông Hùng cho biết.
Một doanh nghiệp chế biến nông sản tư nhân quy mô lớn khác cũng đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn khó khăn này là Tập đoàn Phúc Sinh.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, thời gian qua, hầu hết các sản phẩm chủ lực như hồ tiêu, quế, hồi vẫn duy trì xuất khẩu, không bị dừng mặt hàng nào.
Cùng quá trình làm việc lâu dài nên doanh nghiệp vẫn duy trì được vay vốn ngân hàng tương đối ổn định, dòng tiền do đó không bị ảnh hưởng nhiều.
“Quý I/2020, chúng tôi vẫn nhận được rất nhiều đơn hàng, nhân viên phải làm tăng ca, từ 1 - 2 ca/ngày. Doanh nghiệp biến nguy thành cơ, tận dụng cải tổ lại toàn bộ hệ thống quản trị của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh”, ông Thông nói.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cơ hội cho ngành nông sản là rất lớn khi dịch bệnh được kiểm soát, các thị trường lớn phục hồi nhu cầu.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số VIDA cho biết, vì Việt Nam làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, nên cơ hội mở ra rất lớn cho các doanh nghiệp ngay từ bây giờ.
“Nhu cầu thực phẩm, nông sản luôn rất cao và càng tăng lên sau khi dịch bệnh được kiểm soát nên các đối tác, khách hàng tại các thị trường lớn đang chọn đối tác có khả năng giao hàng đúng chất lượng, đúng thời gian, kể cả khi có nhu cầu tăng đột biến. Hiện VIDA đang chuyển sang làm việc với các đối tác qua nền tảng công nghệ thông tin nên tiết kiệm được thời gian, có thể tận dụng được các cơ hội. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tối đa để đón bắt các cơ hội này”, ông Bình nhấn mạnh.
Thông tin được ông Nguyễn Quảng Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp, quý I vừa qua, xuất khẩu nông sản vẫn đạt 9,06 tỷ USD, tương đương cùng kỳ 2019.
Quý II dù đang khó khăn tại 4 thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU song dự báo nhu cầu nông sản tại các thị trường sẽ vẫn rất lớn và có thể tăng mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ðồng tình nhận định này, theo Chủ tịch Nafoods, dự kiến trong thời gian tới, doanh nghiệp cũng vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng cao nhờ thị trường Trung Quốc bắt đầu hồi phục và từ quý II, EVFTA được phê chuẩn và đi vào thực thi sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, nhất là trái cây chế biến. Tuy nhiên, điều ông Hùng lo ngại nhất hiện nay là việc thiếu vốn.
“Khi chúng tôi đề nghị ngân hàng giãn nợ thì bị cảnh báo có thể đưa vào danh sách nợ xấu”, ông Hùng phản ánh.
Băn khoăn trước bất cập trong chính sách hỗ trợ vốn còn chưa thực sự tới với doanh nghiệp, ông Hùng kiến nghị, cần sớm giải tỏa được những vướng mắc trung gian để vốn hỗ trợ của Chính phủ thực sự đến được với đối tượng doanh nghiệp cần vốn cho thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.