Thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã về đích, có tăng trưởng, tạo ra kỳ vọng về động lực ở một khu vực doanh nghiệp quan trọng của nền kinh tế.
Năm 2024, dự kiến sẽ có nhiều hoạt động tái cấu trúc phần vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ giảm phần vốn tại HUD xuống dưới 50% Năm 2024, dự kiến sẽ có nhiều hoạt động tái cấu trúc phần vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ giảm phần vốn tại HUD xuống dưới 50%

Nỗ lực vượt khó, đạt kết quả tích cực

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt. Ở trong nước, tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kỳ vọng sẽ tích cực hơn khi tình hình thế giới chuyển biến. Những thuận lợi và khó khăn đan xen này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội; trong đó, có hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Trong năm 2023, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đạt hơn 1.135.743 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 53.256 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), bằng 166% kế hoạch năm 2023 và bằng gần 111% cùng kỳ năm 2022; nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252 tỷ đồng, bằng 200% kế hoạch năm 2023 và bằng 120% cùng kỳ năm 2022.

Về đầu tư phát triển, số vốn đã giải ngân của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đạt hơn 161.000 tỷ đồng; trong đó, các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng có tỷ lệ giải ngân đầu tư cao, như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và EVN.

Bên cạnh đó, nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng đã được hoàn thành hoặc được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện như các dự án: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; kho cảng nhập LNG Thị Vải, công suất 1 triệu tấn (đã hoàn thành và đưa vào vận hành từ ngày 29/10/2023); bến container số 3 và số 4 thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 28/4/2023); mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 2/12/2023).

Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của các tổng công ty, tập đoàn trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (không tính EVN) đạt hơn 53.256 tỷ đồng, bằng 166% kế hoạch.

Các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thực hiện an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh. Vốn chủ sở hữu và tài sản được bảo toàn, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty được duy trì, phát triển, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Kết quả này cũng cho thấy việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Đẩy mạnh tái cấu trúc trong năm 2024

Năm 2024 hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động trong công tác tái cấu trúc phần vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, không chỉ ở Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mà còn ở các bộ, ngành khác. Động thái này được kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực tới thị trường vốn.

Cụ thể, Bộ Xây dựng triển khai kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) xuống dưới 50%; thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các tổng công ty Viglacera, Coma, Lilama, Sông Hồng; bàn giao vốn nhà nước tại Hancorp về SCIC quản lý. HUD, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) sẽ tiếp tục tái cấu trúc theo đề án cho giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với các tổng công ty nhà nước đang nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Bộ Xây dựng đã có văn bản chấp thuận đề án tái cơ cấu Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tương tự, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương đề xuất chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc SCIC 11 doanh nghiệp, gồm Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE), Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp, Công ty cổ phần Nông thổ sản Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng, Công ty TNHH một thành viên Xây lắp thương mại và Vật liệu xây dựng BMC, Công ty cổ phần Viện Nghiên cứu dệt may, Công ty cổ phần Viện máy và Dụng cụ công nghiệp IMI.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, sẽ có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn được chuyển giao về SCIC; đồng thời, Tổng công ty cũng được giao trọng trách tham gia tái cơ cấu, xử lý nhiều dự án, doanh nghiệp yếu kém có độ phức tạp, đòi hỏi năng lực của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong đó, có những doanh nghiệp phải xử lý, tái cơ cấu doanh nghiệp nặng nề hơn như trường hợp Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, hay Công ty cổ phần Triển lãm Hội chợ Giảng Võ, Tổng công ty Giấy kèm Dự án Bột giấy Phương Nam…

Chiến lược phát triển SCIC đến 2030 đã được phê duyệt là cơ sở để Tổng công ty phát huy năng lực quản trị vốn nhà nước, tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, với định hướng rõ nét, tập trung ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả và những dự án then chốt, trọng yếu, tạo sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển.

Ngay đầu năm 2024 này, SCIC sẽ thực hiện hàng loạt phiên đấu giá cổ phần thoái vốn nhà nước, hứa hẹn một năm tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp trọng yếu của nền kinh tế sôi động hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Ủy ban và các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là về sản xuất, thị trường, đầu tư...; tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt của doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; đẩy mạnh đầu tư, phát triển góp phần xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, năng lượng, công nghiệp, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo điều kiện và lộ trình phù hợp.

Thanh Tâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục