Thúc đẩy phát triển ngành logistics Vùng đồng bằng sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
Vùng Đồng bằng sông Hồng là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Đây được coi là cầu nối quan trọng, cửa ngõ phía Bắc Việt Nam và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại, giao lưu văn hóa quốc tế.
Toàn cảnh Diễn đàn Logistics Vùng Lần thứ V với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024”. Ảnh - Thanh Sơn Toàn cảnh Diễn đàn Logistics Vùng Lần thứ V với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024”. Ảnh - Thanh Sơn

Chiều 28/5, Diễn đàn Logistics Vùng Lần thứ V - năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số, động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP. Hải Phòng phối hợp chỉ đạo đã diễn ra tại TP. Hải Phòng.

Diễn đàn đã đề cập và phân tích các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy thực thi chuyển đổi số ngành logistics tạo động lực tăng trưởng mới. Đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics theo hướng liên kết vùng, tận dụng lợi thế, cơ hội phát triển xứng tầm với tiềm năng; sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, xác thực thông tin và quyết định các định hướng phát triển phù hợp, nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, các dịch vụ hỗ trợ, cắt giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết: “Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng, gồm 3 trụ cột chính, đó là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Với riêng Vùng đồng bằng sông Hồng, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển lớn”.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Thanh Sơn

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Thanh Sơn

Logistics được coi là xương sống của nền kinh tế. Chuyển đổi số đang không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu của ngành logistics trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển của thị trường logistics tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ số.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, vùng Đồng bằng sông Hồng là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Đây được coi là cửa ngõ phía bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế. Đồng thời, ngành logistics của vùng Đồng bằng sông Hồng còn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Tại diễn đàn, các chuyên gia ngành logistics đã chỉ ra những hạn chế như: Vận tải hàng hoá trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao, năng lực và chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics, hoặc giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu; chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt, tiên phong để tiến ra thị trường quốc tế.

Hay như, quá trình chuyển đổi số trong ngành có nhiều kết quả tích cực nhưng nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ nguồn nhân lực và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng, đồng bộ với nhu cầu phát triển thực tiễn; cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc, có nơi còn chưa phát được huy hiệu lực, hiệu quả.

Tại Vùng đồng bằng sông Hồng, phát triển ngành logistics cũng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như: Quỹ đất để xây dựng hệ thống kho hàng, kho bãi, trung tâm trung chuyển hàng hoá, trung tâm logistics không nhiều, vốn đầu tư của các doanh nghiệp không lớn. Huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics còn hạn chế, thiếu đồng bộ.

Bên cạnh đó, hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn một số địa phương vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và gần như chưa có chuyển biến rõ rệt nhằm hỗ trợ lưu thông hàng hóa. Các cảng cạn khu vực phía Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt như đối với cảng cạn khu vực phía Nam; quy mô khai thác nhỏ, chưa có các trang thiết bị xếp dỡ hàng chuyên dụng. Việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Bối cảnh và thực trạng trên đặt ra yêu cầu đối với ngành logistics Việt Nam nói chung và của Vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng vừa phải có các giải pháp duy trì, đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp đặc biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, tạo ra những bước đột phá phát triển.

Một số gian hàng tại Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V. Ảnh: Thanh Sơn

Một số gian hàng tại Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V. Ảnh: Thanh Sơn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.

Xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng góp vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, TP. Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển logistics và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Thanh Sơn

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Thanh Sơn

Trong đó, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với diện tích 22.540 ha và 14 KCN đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng với tổng diện tích hơn 6.100 ha, gồm 9 KCN nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 5 KCN nằm ngoài khu kinh tế, tạo nên tiềm năng, lợi thế kết nối logistics từ hệ thống cảng biển, cảng hàng không và hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu.

Thành phố cũng phát triển 5 khu bến với 98 cầu bến các loại, trong đó có 52 bến cảng thuộc hệ thống các cảng biển Việt Nam với tổng chiều dài là hơn 14 km cùng 8 đoạn luồng hàng hải chính. Trong đó, nổi bật là khu bến cảng Lạch Huyện với chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, đã được hoàn thành và đưa vào khai thác 2 bến khởi động từ tháng 5/2018, có thể tiếp nhận tàu lên tới 200.000 tấn.

Hệ thống kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics đạt hơn 700 ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính bao gồm hệ thống kho bãi tại các cảng biển; kho ngoại quan; hệ thống kho bãi tại các điểm thu gom hàng lẻ, địa điểm kiểm tra tập trung và hệ thống kho chứa hàng hóa thông thường và kho lạnh khác.

Theo quy hoạch, mạng lưới logistics TP. Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 1.700 - 2.000 ha và đến năm 2040 khoảng 2.200 - 2.500 ha, gồm trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ - Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính.

Thanh Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục