Thủ tướng yêu cầu rà soát tình trạng “loạn” thu phí giao thông

(ĐTCK) Trước quan ngại của các doanh nghiệp vận tải về tình trạng “loạn” các trạm thu phí đường bộ, chiều nay (25/4), Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các trạm thu phí dự án BOT, bảo đảm thực hiện đúng các quy định hiện hành.
Thủ tướng yêu cầu rà soát tình trạng “loạn” thu phí giao thông

Trước tình trạng trạm thu phí trên nhiều tuyến đường “mọc lên như nấm” do các dự án đường bộ được xây dựng theo hình thức BOT ngày càng nhiều, Hiệp hội Vận tải Hàng hoá TP.HCM, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng cần điều chỉnh lại việc thu phí bảo trì đường bộ cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, cho biết, việc thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức BOT tại các Trạm thu phí của nhà đầu tư dự án được thực hiện theo Nghị định số 10/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Hiện nay trên toàn quốc có 40 trạm thu phí sử dụng đường bộ trên các tuyến Quốc lộ. Về mức thu phí và khoảng cách giữa các trạm thu phí được thực hiện theo Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Riêng đối với các dự án đường cao tốc có mức thu phí riêng theo phương án hoàn vốn của từng dự án BOT.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các trạm thu phí dự án BOT trên các tuyến quốc lộ, bảo đảm thực hiện đúng các quy định hiện hành và khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trên phạm vi toàn quốc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Liên quan đến một vấn đề mà giới đầu tư quan tâm là Chính phủ đang chỉ đạo việc thực hiện xã hội hoá, kêu gọi nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước đối với hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông: cảng, hàng không, đường sắt... như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, cho biết, thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai vấn đề này. Trong quá trình triển khai, đã chú trọng bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng, dân sinh; kiểm soát độc quyền; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng; không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Ông Nên cho biết thêm, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, vừa bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện và huy động tối đa các nguồn lực nhất là nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục