“Hôm nay, đứng trước cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn thể quý vị, tôi bồi hồi nhớ lại không khí cách đây hơn một năm tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam: Động lực phát triển kinh tế của đất nước” được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói, Hội nghị đó không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mà cho cả Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khi Chính phủ mới bước vào một nhiệm kỳ mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhắc lại câu nói của nhà khởi nghiệp tư sản dân tộc tiêu Bạch Thái Bưởi: “Tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”. Nhà khởi nghiệp đã tổng kết bài học thương trường: Phải biết cung cấp cái mà người ta đang thiếu, cái mà người ta đang cần và phải kịp thời.
Và người thầy của doanh nhân Việt Nam, chí sĩ Lương Văn Can, đã nói: Văn minh cần tiến bộ, buôn bán cần thịnh đạt; việc buôn bán thịnh suy có quan hệ với quốc dân thịnh suy.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo sơ kết tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020
Thủ tướng nhấn mạnh từ cả thế kỷ trước, chúng ta đã có những chí sĩ yêu nước, nhà khởi nghiệp mang trong mình hoài bão lớn, bắt kịp với xu thế của thời đại. Bài học, tấm gương và khát vọng của họ tiếp tục là niềm cảm hứng và làm rạng danh thương hiệu Doanh nhân Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
Ông cũng nhấn mạnh về cách làm việc của Hội nghị với tinh thần đối thoại thẳng thắn nhìn vào thực trạng và cùng tìm ra giải pháp.
“Chính phủ cần nhận được những ý kiến thẳng thắn của các doanh nhân, những người hằng ngày trải nghiệm và hiểu rõ môi trường cạnh tranh này".
Cụ thể, sau khi nghe các báo cáo và ý kiến của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân phân tích các kết quả đã đạt được, hội nghị đối chiếu lại với những nguyên tắc để xây dựng thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân cùng với hai nhóm giải pháp trước đây đã đề ra. Đó là kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật. Hai là, cải cách thủ tục hành chính.
“Tinh thần của Hội nghị là thẳng thắn, chân thành và xây dựng”, ông nhấn mạnh.
Các doanh nhân tại hội nghị
Thủ tướng cũng cho biết, ông tin rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng.
Tuy nhiên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng hiểu rằng, đó chỉ là những bước đi đầu tiên với những kết quả hết sức khiêm tốn. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm phía trước bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Hội nghị hôm nay có sự tham dự trực tiếp của khoảng hơn 2.000 đại biểu đến từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng gần 10.000 đại biểu theo dõi trực tuyến tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, lãnh đạo cấp sở, ngành của các địa phương, cấp huyện của các tỉnh, thành.
Đáng chú ý, hội nghị diễn ra sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XII vừa kết thúc. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ra các nghị quyết về DNNN, đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu kết luận, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau Hội nghị, chiều nay, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng sẽ họp với các Bộ trưởng để thông qua một chỉ thị quan trọng, sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, để tiếp tục có chỉ thị ban hành: Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt hơn Nghị quyết 35 của Chính phủ.