CPH chậm do thiếu quyết liệt
Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, giai đoạn 2011 - 2013, cả nước sắp xếp được 180 DN, trong đó CPH được 99 DN, còn lại là chuyển đổi theo các hình thức khác. Năm 2013, trong tổng số 101 DN tái cơ cấu, CPH được 74 DN, trong đó có 19 tổng công ty... Đến cuối năm 2013, cả nước còn 949 DN 100% vốn nhà nước.
“Theo các đề án đã được phê duyệt, số DN trong diện CPH năm 2014 - 2015 là 432 DN. Đây là nhiệm vụ phức tạp, quan trọng nhất trong tái cơ cấu DNNN thời gian tới…”, ông Muôn nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tiến độ triển khai CPH thời gian qua diễn ra chậm. Điều này có nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế trong và ngoài nước khó khăn, TTCK chưa khởi sắc…, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là sự thiếu quyết liệt, tinh thần trách nhiệm chưa cao của một số bộ, địa phương, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty.
“Không thể đơn thuần đổ lỗi cho thị trường, vướng cơ chế chính sách khiến CPH diễn ra chậm. Từ thực tế thái độ quyết liệt của lãnh đạo các Bộ Giao thông -Vận tải và Bộ NN và PTNT, trong chỉ đạo CPH những năm gần đây cho thấy đã mang lại kết quả cao. Trong khi đó, tại sao một số bộ khác, các tập đoàn, tổng công ty, điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lại chậm trễ trong triển khai CPH…”, Thủ tướng đặt câu hỏi, đồng thời yêu cầu các bộ, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đang chậm trễ trong tổ chức triển khai CPH cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm.
CPH cần thực chất hơn
Thực hiện chủ trương sắp xếp lại khối kinh tế nhà nước, theo Thủ tướng, từ 12.000 DNNN, đến năm 2000, chúng ta đã CPH mạnh giảm còn 6.000 DN và hiện còn gần 1.000 DNNN. Ở thời kỳ đầu, trong tổng số 6.000 DNNN được CPH, thì hơn 4.000 DN hoạt động hiệu quả hơn, vốn nhà nước được quản lý chặt hơn… Thực tế này tiếp tục khẳng định, CPH là con đường hiệu quả để thúc đẩy tái cơ cấu DNNN thời gian tới. Trong 2 năm tới, ngoài quyết liệt triển khai các giải pháp để CPH cho được 432 DN, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, để bổ sung thêm các DNNN vào diện CPH. Cũng cần rà soát để giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các DN đã CPH, nhưng Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối… CPH cần đi vào thực chất hơn, chứ nếu chỉ bán 7 - 8% ra bên ngoài như một số DN vừa qua, thì khó thu hút được NĐT tham gia, cũng như khó nâng cao chất lượng quản trị DN. Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng chỉ ra ba nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần quyết liệt, đề cao trách nhiệm trong chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là CPH. Phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên số một. Nếu lãnh đạo DNNN nào chần chừ, không thông tư tưởng này, đề nghị các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh quyết liệt cho thôi vị trí điều hành tại DN, để nhận nhiệm vụ khác, nhưng không sắp xếp vào chức vụ cao hơn, dễ gây bức xúc trong dư luận…
Thứ hai, cùng với khung pháp lý CPH đã cơ bản hoàn thiện, sau Hội nghị này, 3 văn bản quan trọng sẽ được ban hành gồm: Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, CPH và thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2013 - 2015; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN…, nhằm cụ thể hóa nhiều giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là CPH.
Thứ ba, sắp tới, đề nghị các bộ trưởng dành nhiều thời gian hơn cho tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai CPH, như cách mà Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã làm hiệu quả thời gian qua. Giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, thay mặt Thủ tướng định kỳ hàng quý họp với các đơn vị liên quan, để tháo gỡ nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình CPH, nhằm quyết liệt đẩy mạnh tiến trình CPH thời gian tới….
Theo ông Muôn, sắp tới, cần chỉ đạo quyết liệt các đơn vị có nhiều DN thuộc diện CPH, nhưng kết quả kém, đặc biệt là: TP. HCM còn 77 DN; TP. Hà Nội: 49 DN; Hải Phòng: 15 DN; Bình Định:7 DN; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 16 DN; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: 8 DN; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: 11 DN... 7 đơn vị này có tới 183/432 DN thuộc diện phải CPH trong 2 năm tới, chiếm 43%. Việc hoàn thành CPH các DN ở các đơn vị này có tác động quan trọng đến kết quả chung của cả nước. Các đơn vị này cần hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả CPH, những vướng mắc cần giải quyết để tháo gỡ kịp thời.