Không còn lý do để trì hoãn cổ phần hóa

(ĐTCK) Chủ trì các hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của nhiều bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đều phát đi thông điệp, cổ phần hóa (CPH) là trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Không còn lý do để trì hoãn cổ phần hóa

Chủ trì các hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của nhiều bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đều phát đi thông điệp, cổ phần hóa (CPH) là trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nướ

Thực hiện quyết tâm CPH gần 500 doanh nghiệp trong năm 2014 và 2015, chỉ trong vòng 20 ngày đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án CPH 9 tổng công ty với tổng vốn điều lệ lên tới gần 5.292 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối tại Hancorp (73,37%) và Cieco 6 (51%); giữ 49% cổ phần tại Vivaso và Tedi; giữ 35% cổ phần tại Cienco 1, Cienco 4, Cienco 5 và TLG; giữ 33% cổ phần tại Vinawaco. Toàn bộ số cổ phần còn lại chủ yếu được chào bán đấu giá công khai ra công chúng và bán cho nhà đầu tư chiến lược (chỉ dành một phần rất nhỏ bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp).

Đáng nói là, trong số 9 tổng công ty “mở hàng” CPH trong năm nay, ngoại trừ Hancorp thuộc Bộ Xây dựng, còn có tới 8 đơn vị thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Điều này cho thấy, Chính phủ đánh giá cao kết quả CPH mà Bộ GTVT đã làm được trong thời gian vừa qua. 

“Công tác tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp nhà nước ngành GTVT đã được đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại Hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ GTVT (ngày 9/1/2014).

Theo đánh giá của Thủ tướng, với cách làm sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, năm 2013, Bộ GTVT đã thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu, triển khai tái cơ cấu, CPH được nhiều doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nhiều tổng công ty lớn; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã nâng lên rõ rệt, việc làm và đời sống của người lao động đã được cải thiện tích cực.

“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế là đẩy mạnh CPH để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn theo cơ chế thị trường, ngăn chặn nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định và yêu cầu, năm 2014, Bộ GTVT tiếp tục tập trung chỉ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp theo các đề án đã được phê duyệt, khẩn trương hoàn thành CPH công ty mẹ các tổng công ty, trong đó có Tổng công ty Hàng không, Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Cảng hàng không…

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Bộ GTVT kịp thời báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết, nhưng phải “kịp thời thay thế người đứng đầu doanh nghiệp, nếu không hoàn thành công tác tái cơ cấu, trọng tâm là CPH theo đúng tiến độ”.

Theo Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), ông Đặng Quyết Tiến, không còn lý do để trì hoãn tiến trình CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tiến trình CPH nhanh hay chậm hiện phụ thuộc chủ yếu vào đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp và thực hiện triệt để cơ chế, chính sách công khai, minh bạch khi CPH, thoái vốn theo đúng cơ chế thị trường.

“Trước đây, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, nên bán cổ phần nhà nước với giá nào cũng có sự nghi ngờ nhất định. Điều này khiến đại diện chủ sở hữu, lãnh đạo doanh nghiệp có phần e ngại trách nhiệm trong bảo toàn vốn. Còn bây giờ, các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định về bán vốn, CPH đã tương đối đầy đủ, cổ phần nhà nước bán với giá nào do thị trường và nhà đầu tư quyết định”, ông Tiến giải thích và nói thêm, mấu chốt trong CPH hóa hiện nay nằm ở sự quyết tâm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

“Tư lệnh” ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, trước đây, CPH còn nhằm thu hồi vốn, nên bán cổ phần nhà nước càng cao càng tốt. Còn hiện nay, CPH nhằm tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Với quan điểm này, cộng với quyết tâm của Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, thì tiến trình CPH, tái cơ cấu sẽ thực hiện được theo đúng lộ trình.

Với lĩnh vực GTVT, theo ông Thăng, Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp xây lắp như TLG, Cienco 1, Cienco 4, Cienco 5, Cienco 6… Kể cả lĩnh vực hàng không, vấn đề gì liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm quản lý bay, chủ quyền biên giới, an ninh lãnh thổ…, thì Nhà nước đầu tư vốn và giữ cổ phần chi phối, còn lại cũng phải CPH. “Cảng biển cũng vậy, chẳng có lý do gì mà Nhà nước lại phải giữ cổ phần, chứ chưa nói giữ cổ phần chi phối tại các cảng biển”, ông Thăng phát biểu.

Hàn Tín(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục