Ngày 30/3, Thủ tướng Italy Mario Draghi và phu nhân đã tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Astrazeneca (Anh-Thụy Điển) tại điểm tiêm chủng ở nhà ga Termini ở thủ đô Roma.
Sau những tranh cãi về độ an toàn của vaccine của AstraZeneca, ngày 19/3, Thủ tướng Draghi thông báo sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca và đăng ký tiêm chủng như mọi công dân khác của Italy.
Ông khẳng định: "Tôi sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca và con trai tôi cũng đã tiêm vaccine này tại Anh."
Trước đó, ngày 9/3, Tổng thống Italy Sergio Mattarella cũng đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Moderna (Mỹ) tại bệnh viện Spallanzani.
Tính đến ngày 30/3, tại Italy đã có hơn 3 triệu người được tiêm mũi thứ hai vaccine ngừa COVID-19.
Tướng Francesco Paolo Figliuolo, Ủy viên phụ trách tình trạng khẩn cấp COVID-19, khẳng định chiến dịch tiêm chủng của Italy nhằm đạt mục tiêu đến ngày 30/9 tới tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 80% dân số.
Hiện Italy đang triển khai các biện pháp cần thiết để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng nhằm hướng đến mục tiêu đạt 500.000 lượt tiêm chủng mỗi ngày vào cuối tháng 4.
Liên quan đến vaccine, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng ngày thông báo hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ bàn giao vaccine ngừa COVID-19 cho Canada, một ngày sau khi giới chức y tế nước này cho biết sẽ ngừng tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho những người dưới 55 tuổi.
Theo ông Trudeau, Pfizer đã xác nhận sẽ bàn giao 5 triệu liều vaccine vào tháng 6 tới, thay vì vào cuối mùa Hè, qua đó nâng số liều vaccine ngừa COVID-19 mà Canada nhận được trong tháng 6 là 9,6 triệu liều.
Dự kiến đến cuối tháng 6, Canada sẽ có tổng cộng 40 liều vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ) và AstraZeneca, qua đó cho phép nước này đạt được mục tiêu chủng ngừa cho tất cả người dân Canada vào cuối mùa Hè tới.
Với dân số 38 triệu người, Canada đã đặt mua hơn 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của 7 hãng dược phẩm. Tuy nhiên, cho tới nay nước này mới chỉ cấp phép sử dụng 4 vaccine của AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer/BioNTech.
Trước đó, giới chức y tế Canada thông báo sẽ ngừng tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho những người dưới 55 tuổi và yêu cầu một phân tích mới về lợi ích cũng như rủi ro của loại vaccine này dựa trên độ tuổi và giới tính.
Động thái trên được đưa ra theo sau các báo cáo từ châu Âu về các trường hợp đông máu hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và một số trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng, chủ yếu ở phụ nữ trẻ.
Hiện không có trường hợp nào như vậy được báo cáo ở Canada, với khoảng 307.000 liều vaccine của AstraZeneca đã được sử dụng.
Nhiều quốc gia châu Âu đã ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca trong thời gian ngắn để điều tra các sự cố về đông máu vào đầu tháng này. Nhưng sau đó, gần như tất cả các quốc gia đã lại tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca.
Riêng Pháp cho rằng chỉ nên tiêm vaccine của AstraZeneca cho những người từ 55 tuổi trở lên, dựa trên bằng chứng cho thấy biến chứng đông máu ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi.