Các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi một hiệp ước chống đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà lãnh đạo toàn cầu đã công bố một lá thư kêu gọi một hiệp ước chống đại dịch để cải thiện hợp tác và minh bạch trong trường hợp bùng phát đại dịch trong tương lai, nhưng Trung Quốc, Mỹ, Nga không nằm trong số các bên ký kết.
Các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi một hiệp ước chống đại dịch

Theo đó, mục tiêu chính của hiệp định sẽ là “thúc đẩy cách tiếp cận xã hội và toàn quốc nhằm tăng cường năng lực quốc gia, khu vực và toàn cầu và khả năng chống chọi với đại dịch trong tương lai”.

Hơn 20 nhà lãnh đạo quốc gia trong đó bao gồm Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh và Thủ tướng Đức đã ký tên vào một lá thư được đăng trên một số phương tiện truyền thông vào hôm thứ Ba (30/3). Lá thư với nội dung kêu gọi hợp tác quốc tế nhiều hơn và nói rằng các quốc gia nên tránh chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân tộc.

“Sẽ còn có đại dịch và các cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng khác trong tương lai. Không một chính phủ quốc gia hay tổ chức đa phương nào có thể một mình đối mặt với mối đe dọa như vậy. Điều đó chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi ”, nội dung lá thư cho biết.

Cảnh báo được đưa ra khi các quốc gia tiếp tục xung đột về nguồn cung vắc xin. Liên minh châu Âu và Anh đang có một cuộc chiến ngôn từ kéo dài về các hợp đồng cung cấp vắc xin của AstraZeneca trong khi một số quốc gia thành viên EU đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng với việc triển khai vắc xin chậm chạp trong khối.

Những nhà lãnh đạo ký tên vào lá thư được đăng tải hôm thứ Ba (30/3) đã có một giọng điệu khác biệt rõ rệt và nhấn mạnh rằng sự thống nhất và phối hợp là chìa khóa cho các đại dịch trong tương lai.

Trong đó, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã cảnh báo chống lại chủ nghĩa dân tộc vắc xin.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã viết rằng họ "cam kết đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và phổ biến đối với vắc xin, thuốc và chẩn đoán an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng cho điều này và các đại dịch trong tương lai”.

"Chúng tôi tin rằng các quốc gia nên cùng nhau hướng tới một hiệp ước quốc tế mới để chuẩn bị và ứng phó với đại dịch", nội dung lá thư cho biết.

Dù bức thư không có chữ ký của các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga, nhưng ông Tedros cho biết, tất cả các quốc gia thành viên vẫn sẽ được đưa vào các cuộc thảo luận về một hiệp ước quốc tế.

Người đứng đầu WHO đã mô tả bức thư ngỏ này được ký trên cơ sở "lựa chọn tham gia", nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng các bình luận từ phía Mỹ và Trung Quốc "thực sự tích cực”.

"Khi cuộc thảo luận về hiệp ước chống đại dịch bắt đầu, tất cả các quốc gia thành viên sẽ hiện diện", ông nói.

"Có sự hỗ trợ khá đáng kể không chỉ thông qua op-ed (hình thức được dùng để chỉ các bài viết của một chuyên gia hay ký giả có tiếng nhưng không thuộc ban biên tập) mà còn thông qua liên hệ song phương mà chúng tôi có với tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia không ký vào biên bản này, nhưng họ đang phản ứng khá tích cực với ý tưởng đó”, Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu cho biết hôm thứ Ba (30/3).

Nhóm G7 dự kiến ​​sẽ tìm hiểu thêm về ý tưởng hiệp ước chống đại dịch tại một hội nghị thượng đỉnh ở Cornwall, nước Anh vào tháng 6.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục