Thủ tướng giải thích khái niệm Chính phủ kiến tạo

Chủ tịch VCCI cho rằng hiện có nhiều cách hiểu khác nhau về quan điểm Chính phủ kiến tạo nên muốn được giải thích rõ về mô hình này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ trong mô hình kiến tạo phải chủ động hơn trong thiết kế chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Bloomberg. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ trong mô hình kiến tạo phải chủ động hơn trong thiết kế chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Bloomberg.

Tại phiên chất vấn Thủ tướng chiều 18/11, ông Vũ Tiến Lộc (Đại biểu tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) hỏi về quan điểm Chính phủ kiến tạo cũng như sự khác biệt giữa mô hình này với mô hình truyền thống hiện nay. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng hiện có nhiều cách hiểu khác nhau, đặc biệt ở các cấp chính quyền về khái niệm Chính phủ kiến tạo.

Trả lời đại biểu Vũ Tiến Lộc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ kiến tạo tức là chủ động thiết kế chính sách pháp luật để đất nước phát triển. Theo ông, đây là điểm khác biệt cơ bản với mô hình Chính phủ truyền thống (Chính phủ quản lý điều hành).

"Kiến tạo thì chủ động thiết kế chính sách pháp luật còn mô hình Chính phủ quản lý điều hành thì có pháp luật rồi và chỉ điều hành trên khung khổ pháp luật đó. Mô hình kiến tạo sẽ đòi hỏi Chính phủ phải mày mò tìm hiểu nhiều hơn", ông giải thích.

Theo Thủ tướng, thể chế pháp luật là điểm nghẽn lớn cho phát triển. Chính phủ kiến tạo không phải là Nhà nước làm thay thị trường. "Có gì làm tốt để xã hội làm. Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, để môi trường kinh doanh không phải chỉ là dẫn đầu ASEAN mà vươn lên trong khối OECD", ông nói.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương hỏi về độc lập tự chủ kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho đây là câu hỏi hay, cần thiết. Theo ông, trong thời kỳ hội nhập thì độc lập tự chủ kinh tế cần thiết trong nhận thức để không phụ thuộc vào quốc gia khác.

Một nền kinh tế độc lập tự chủ, theo lãnh đạo Chính phủ, là nền kinh tế đó phải có năng lực cạnh tranh cao, về công nghệ không thể quá lạc hậu. Nền kinh tế đó phải giải quyết được các cân đối lớn, thanh toán quốc tế, thu chi ngân sách giữa xuất - nhập khẩu.

"Độc lập tự chủ phải tổn thương ít nhất, thích ứng nhanh nhất trước biến động quốc tế. Vì thế chúng ta quá phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, một mặt hàng dễ bị tấn công. Đa dạng hoá mặt hàng, thị trường là cần thiết", Thủ tướng nói.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng dẫn nhiều số liệu cho thấy độc lập tự chủ kinh tế ngày càng tăng lên. Cụ thể, đã có 200 thị trường quốc gia, vùng lãnh thổ quan hệ thương mại với Viêt Nam, 25 mặt hàng xuất khẩu hơn một tỷ USD, hay hiện nay đã có 70 thị trường có quan hệ thương mại trên 100 triệu USD với Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đã thu hút 40.000 dự án FDI với 230 tỷ USD đăng ký đầu tư của nhiều quốc gia ở quy mô khác nhau.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục