Bước vào năm 2017, Tập đoàn có những thuận lợi, đó là: Tổng công suất nguồn điện đạt hơn 42.000MW, dự kiến năm 2017 vào vận hành thêm 3.647MW.
Mặc dù hiện tại hệ thống điện của Việt Nam vẫn có dự phòng, tuy nhiên phân bổ các nguồn điện không đồng đều. Tại một số khu vực có phụ tải tập trung cao ở miền Bắc và miền Nam vẫn chưa khắc phục được tình trạng quá tải cục bộ trên lưới điện.
Nguyên nhân cũng được EVN chỉ rõ là do diễn biến tăng trưởng thực tế khác với dự báo quy hoạch cũng như chậm tiến độ của các dự án lưới điện.
Hiện tại hệ thống điện của Việt Nam vẫn có dự phòng, tuy nhiên phân bổ các nguồn điện không đồng đều
Trên cơ sở tính toán cung cầu điện năm 2017 với dự kiến điện thương phẩm tăng 11,5% so với năm 2016, EVN nhận định hệ thống điện đảm bảo cung ứng đủ điện cho phụ tải, hệ thống truyền tải Bắc - Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng đặc biệt để truyền tải từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam khoảng 20 tỷ kWh.
Tuy vậy, EVN cũng đang gặp một số khó khăn thách thức mà cụ thể là sản lượng điện sản xuất của EVN chỉ chiếm tỷ trọng 43,5% toàn hệ thống, nên việc đảm bảo cung ứng điện phụ thuộc rất lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN.
Cùng với đó là các vấn đề đảm bảo nhiên liệu cho phát điện như khí giảm, chạy dầu cao hay giá than đã tăng mạnh cuối năm 2016. Cạnh đó, một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện; việc thu xếp vốn gặp khó khăn do Chính phủ hạn chế việc bảo lãnh vay vốn, trong khi Tập đoàn và các đơn vị đã vượt ngưỡng hạn chế vay.
Theo kế hoạch, điện sản xuất và mua ngoài năm 2017 của EVN là 197,2 tỷ kWh, tăng 11,4% so với năm 2016; điện thương phẩm là 177,9 tỷ kWh, tăng 11,5% so với năm 2016.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết của EVN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương EVN khi “đây là năm thứ ba EVN hứa với nhân dân là không để thiếu điện” cũng như “đóng góp trực tiếp vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp”.
Đề cập đến một số vấn đề còn tồn tại như một số dự án nguồn ngoài EVN không vào kịp tiến độ nên Thủ tướng đã yêu cầu EVN phải chủ động phối hợp cùng tìm cách tháo gỡ.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng EVN vẫn phải là Tập đoàn Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong cung cấp điện cho nền kinh tế. Vì thế cần chủ động nghiên cứu, đề xuất những cơ chế tài chính trong đầu tư nguồn lưới điện... để Việt Nam không thể thiếu điện trong trung và dài hạn.
Liên quan đến việc tái cơ cấu EVN, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, EVN cần tăng cường công tác quản trị, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, chỉ giữ lại 6 nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu; công khai minh bạch, chống tham nhũng trong mọi khâu, nhất là khi cổ phần hóa các nhà máy điện. Đồng thời rút kinh nghiệm các dự án nhiệt điện thời gian vừa qua để để đảm bảo yêu cầu môi trường.
Thủ tướng cũng chỉ đạo EVN tìm giải pháp bù đắp sản lượng điện khi không làm nhà máy điện hạt nhân.
Theo Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An, trong năm 2016, tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân (SAIDI) toàn Tập đoàn là 1.579 phút, giảm 25,1% so với năm 2015; tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 10,23 lần/khách hàng, giảm 23%; tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) là 1,94 lần/khách hàng, giảm 4,35%.
EVN phải tìm giải pháp bù đắp sản lượng điện khi không làm nhà máy điện hạt nhân.
Đặc biệt, chỉ tiêu độ tin cậy của 5 Tổng công ty Điện lực đều tốt hơn so với kế hoạch; trong đó, Tổng công ty Điện lực TP. HCM là đơn vị thực hiện tốt nhất với chỉ số SAIDI đạt 530 phút/585 phút kế hoạch giao và giảm 27% so với năm 2015.
Bên cạnh đó, thời gian giải quyết cấp điện đối với lưới trung áp bình quân chung cả 5 Tổng công ty Điện lực là 6,52 ngày, ít hơn so với chỉ tiêu là 10 ngày, góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng ở vị trí 96/190, tăng 5 bậc so với năm 2015.
Điểm bình quân mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn EVN năm 2016 cũng đạt 7,69/10 điểm, tăng 0,42 điểm so với năm 2015. Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tính chung toàn Tập đoàn đạt 1,737 triệu kWh/người, tăng 11% so với năm 2015 và vượt kế hoạch gần 1%.
Lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện của Công ty mẹ-EVN và 9 Tổng công ty đều cao hơn kế hoạch.