Thủ tướng: Công tác đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước xác định công tác đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân nói riêng và công tác đối ngoại nói chung, được gắn kết chặt chẽ với đối ngoại an ninh, đối ngoại kinh tế.
Hội nghị của Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài Hội nghị của Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Ngày 5/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn 1996-2017 của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đạt nhiều thành tựu quan trọng nhờ chúng ta phát huy tối đa nguồn lực trong nước và tranh thủ khai thác nguồn lực bên ngoài.

Trong đó có phần đóng góp quý báu của của bạn bè quốc tế, bao gồm các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Đảng, Nhà nước xác định công tác đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân nói riêng và công tác đối ngoại nói chung, được gắn kết chặt chẽ với đối ngoại an ninh, đối ngoại kinh tế.

Bày tỏ vui mừng về những thành quả đạt được trong 20 năm qua, Thủ tướng đánh giá cao công tác vận động, thu hút các nguồn lực bên ngoài vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước của Ủy ban trong hơn 20 năm qua; nhất là năm 2017 đã vận động được 280 triệu USD.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, kết quả này là đáng quý. “Đặc biệt, các đồng chí tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn nhiều khó khăn, có nhu cầu hợp tác thực sự như y tế, giáo dục, xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó biến đổi khí hậu…”, Thủ tướng phát biểu.

Về chính trị đối ngoại, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng vai trò tích cực trong việc ủng hộ Việt Nam hội nhập quốc tế, trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thành tựu của Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao những kết quả Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong thời gian vừa qua, trong đó có việc tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, từng bước hình thành, hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Thủ tướng: Công tác đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng ảnh 1

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ các mặt tồn tại, hạn chế, vướng mắc và các giải pháp khắc phục, Thủ tướng chỉ ra, tuy có tiến bộ, nhưng nhận thức về công tác này chưa đồng đều, một số nơi còn sự thiên lệch khi quá coi trọng khía cạnh kinh tế hoặc quá lo lắng về vấn đề an ninh.

Các văn bản pháp quy liên quan còn thiếu quy định về quản lý tài chính của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thiếu chế tài xử lý vi phạm. Công tác quản lý còn nặng tính hành chính.

Cho biết 21 tỉnh, thành phố có ban chỉ đạo và có đến 3 đầu mối là ngoại vụ, kế hoạch và ủy ban công tác tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện tinh thần đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Tất cả địa phương, bộ, cơ quan đều rà soát lại công tác tổ chức, có cơ chế liên ngành theo nguyên tắc mỗi việc có một cơ quan chủ trì thực hiện. Với tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý việc sửa Nghị định 12 về công tác này.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cần có nhiều nguồn lực, chúng ta khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, góp phần phát triển đất nước, thúc đẩy quan hệ ngoại giao hữu nghị hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân các nước.

Các bộ, ngành, địa phương cần xác định công tác về tổ chức phi chính phủ nước ngoài là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng, không chỉ của riêng Ủy ban và của tất cả các cấp chính quyền.

Trong mọi chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương phải luôn chú trọng xem xét xử lý hài hòa trên cả 3 khía cạnh về kinh tế, an ninh, đối ngoại.

Bộ, ngành, địa phương nào làm chưa tốt, để xảy ra sai phạm, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đó chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng đề nghị, cần có cơ chế liên ngành đủ mạnh để phối hợp quản lý, phát huy vai trò trách nhiệm của từng ủy viên Ủy ban và cơ quan giúp việc, tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong công việc thường xuyên và các vấn đề đột xuất, phức tạp, nhạy cảm.

Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc của Ủy ban và các bộ phận giúp việc. Chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để tham mưu tích cực, có hiệu quả hơn nữa cho Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, trong đó, cần chú ý các hoạt động lợi dụng để chống phá, gây mất ổn định.

Cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, giám sát theo quy định các hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Một mặt, cắt giảm thủ tục hành chính, mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm khoa học, chặt chẽ hơn; đừng để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, nhất là ở những địa bàn nhạy cảm.

Tiếp tục tăng cường công tác vận động hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước; chủ động đề xuất đổi mới phương pháp và hình thức hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giai đoạn tới.

Theo báo cáo của Ủy ban, hiện nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó, khoảng 500 tổ chức hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; hàng năm hỗ trợ khoảng 3.000 chương trình, dự án và khoản viện trợ với giá trị viện trợ giải ngân trong hơn 20 năm qua đạt trên 4,3 tỷ USD không hoàn lại.

Hoạt động của các tổ chức được triển khai trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường,... đã giúp giải quyết được một số vấn đề bức thiết của người dân ở vùng khó khăn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng hưởng lợi dự án, hỗ trợ các mô hình, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy hiểu biết và quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế...

Như Chính
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục