Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham), ông Kim Heung Soo, điều rất đáng ghi nhận là Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành chế tạo. Hiệp hội Doanh nghiệp cũng như cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn chung tay cùng Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm mâu thuẫn trong những quyết định mang tính hành chính có thể tạo rào cản cho quá trình này.
Rào cản mà ông Kim Heung Soo nêu ra liên quan đến quy định về miễn và hoàn thuế hải quan đối với hàng xuất khẩu sản xuất bằng thuê ngoài. Cụ thể, sau khi các doanh nghiệp Hàn Quốc đặt hàng các doanh nghiệp hợp tác Hàn Việt và nhận được sản phẩm thì họ hoàn thiện thành phẩm và xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là phương thức xuất khẩu phổ biến nhất. Tuy nhiên, theo giải thích của Tổng cục Hải quan, “trường hợp các công ty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu sản xuất thành phẩm bằng thuê ngoài toàn bộ hay một phần thì không thuộc đối tượng miễn thuế”.
Đồng hành cùng với doanh nghiệp, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
“Từ trước tới nay, dù sản xuất thành phẩm bằng thuê ngoài toàn bộ hay một phần thì sau khi xuất khẩu xong, chỉ cần chứng minh phần nguyên liệu nhập khẩu đã tiêu thụ theo thủ tục thanh lý là có thể được miễn thuế hoặc hoàn thuế. Tuy nhiên, quy định này nếu được thực thi sẽ là một cú đánh mạnh vào các doanh nghiệp”, đại diện Kocham phân tích.
Theo ông Kim Heung Soo, để tăng hiệu suất đại đa phần các doanh nghiệp sử dụng thuê ngoài để sản xuất thành phẩm. Đặc biệt, với các ngành đòi hỏi công nghệ cao thì việc một doanh nghiệp thực hiện tất cả mọi công đoạn sản xuất phức tạp là điều không thể.
“Do đó, để các doanh nghiệp xuất khẩu không gặp bất lợi, chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành quy định nêu rõ miễn thuế đối với cả trường hợp sản xuất bằng thuê ngoài. Nhờ đó, tập trung nuôi dưỡng các doanh nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, đồng thời mở rộng quy mô giao dịch, giúp kinh tế Việt Nam phát triển thêm một bậc”, đại diện Kocham đề nghị.
Trong khi đó, ông Nicolas Audier, đại diện Eurocham chỉ ra rằng các doanh nghiệp nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn trong việc kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam.
“Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và ngay cả các doanh nghiệp trong nước hiện cũng gặp khá nhiều gặp khó khăn khi mở rộng quy mô do không có nguồn nhân lực chất lượng”, ông Nicolas Audier nhận xét và đề xuất giải pháp để Việt Nam lấp khoảng trống trí thức này chính là đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp FDI.
Đại diện Eurocham cho rằng, để thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam thì cơ sở hạ tầng cần được cải thiện hơn nữa. Nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng phụ thuộc vào dòng tiền và thị trường tài chính quốc tế, do đó, cần làm thế nào để các nhà đầu tư quốc tế quan tâm vào thị trường Việt Nam.
“Muốn vậy, phải làm cho các nhà đầu tư vững tin ở cơ hội đầu tư vào Việt Nam và họ hoàn toàn yên tâm rằng khi đầu tư vào Việt Nam sẽ được bảo vệ”, ông Nicolas Audier nói.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF cho rằng, câu chuyện liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi Việt Nam dù được xếp vào nhóm ngôi sao sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng sau 30 năm, chất lượng của dòng vốn FDI chưa cao, tính lan toả của dự án còn hạn chế, chuỗi giá trị vẫn chưa hình thành… Sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa hai khu vực này thể hiện rõ ở sự chênh lệch giữa các vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới công bố. Theo đó, năm 2018, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng thứ 93, chuyển giao công nghệ xếp thứ 89 và độ sâu của chuỗi giá trị ở tận vị trí 106.
“Cần có liên minh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cho từng ngành hàng, theo đó sẽ chọn đối tượng là những doanh nghiệp tiềm năng nhất để hỗ trợ họ”, ông Lộc nêu kiến nghị.
Ông Lộc cho biết, mới đây, đại diện Công ty Samsung đã bày tỏ ý định tới đây sẽ đưa 200 nhà cung ứng nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng linh kiện cho Samsung. Để mở đường cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng lớn mạnh của nhà sản xuất lớn nhất toàn cầu này, ông Lộc đề xuất, cần xây dựng mô hình liên kết mẫu.
“Đó là Chương trình trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia nhận đầu tư trong việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, Samsung có thể mở quỹ hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp để bắt kịp và kết nối với Samsung, tạo nền tảng bền vững cho sự gắn kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam. Với mô hình chuỗi cung ứng này, các doanh nghiệp FDI sẽ có trách nhiệm hỗ trợ các DNNVV của Việt Nam vươn lên”, ông Lộc chia sẻ và gợi ý mô hình này hoàn toàn có thể bắt đầu bằng những ngành hàng cụ thể, từ đó sẽ lựa chọn đối tượng tiềm năng để kết nối với doanh nghiệp FDI.
Mặt khác, để cải thiện hiệu quả quản trị nhằm tận dụng cơ hội này, theo ông Lộc, bản thân doanh nghiệp nội địa cũng phải vươn lên để đạt được những chuẩn mực quản trị doanh nghiệp tốt hơn, có như vậy mới đủ khả năng để kết nối và tham gia chuỗi liên kết của các tập đoàn lớn có quy mô toàn cầu.
Hưởng ứng quan điểm này, đại diện Kocham khẳng định, trong bản ghi nhớ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Việt Nam – Hàn Quốc vào tháng 3 năm nay cũng nhấn mạnh vào sự hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam và nuôi dưỡng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Như trường hợp Công ty Điện tử Samsung (SEV) đã có thông báo về việc đạt được thành tích nâng cao năng suất lên 85% thông qua tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Samsung (Venders). Dịch vụ tư vấn của Điện tử Samsung dành cho 26 doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Samsung từ năm 2015 đến năm ngoái đã giúp cải thiện hiệu suất vận hành thiết bị hơn 30%, giảm tỷ lệ lỗi hơn 20%. Trong năm nay, Điện tử Samsung cũng đang tiến hành tư vấn cho các doanh nghiệp hợp tác và có kế hoạch tăng số lượng doanh nghiệp được tư vấn hàng năm.
Hiện nay, Kocham đang khảo sát các trường hợp doanh nghiệp Hàn Quốc khác hợp tác thành công với các doanh nghiệp Việt Nam. “Chúng tôi sẽ thông báo kết quả này cho các doanh nghiệp thành viên để ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và có kế hoạch động viên để hai bên cùng phát triển”, ông Kim Heung Soo nói.
Ông Nguyễn Chí Dũng , Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Để tăng cường sự liên kết đó, các doanh nghiệp nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị. Doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Đồng hành cùng với doanh nghiệp, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận.
Ông Tomaso Andreatta, Đồng Chủ tịch Liên minh VBF