Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ 2018: Đâu là mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước?

(ĐTCK) Câu chuyện liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI một lần nữa lại tiếp tục trở thành chủ đề nóng bỏng của Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Hội đồng quản trị Liên minh VBF phối hợp tổ chức vào sáng nay 4/7.
Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ 2018 (Ảnh: Dũng Minh) Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ 2018 (Ảnh: Dũng Minh)

Những tổng kết thực tế được nêu lên tại Diễn đàn cho thấy, sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mối liên kết này vẫn chưa thực sự tạo ra những lợi ích chung xứng tầm cho cả khu vực doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cần làm gì để tăng sức mạnh cộng hưởng giữa các khu vực nội ngoại hướng tới một lợi ích chung to lớn cho cả nền kinh tế và toàn cộng đồng doanh nghiệp là vấn đề trọng tâm được tập trung bàn thảo.

Đánh giá cao những đóng góp của khu vực FDI trong 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế…

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số lượng, mạnh lên về tiềm lực và là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao, GDP năm 2017 đạt 220 tỷ USD tăng gấp 8 lần so với năm 1997, phấn đấu đến 2020 GDP đạt khoảng 300 tỷ USD.

Khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế.

Xét về vốn đầu tư, tính đến nay, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với khoảng 26.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 326 tỷ USD và tổng vốn thực hiện đạt trên 180 tỷ USD.

Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP, trong đó 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và cho 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị cho đến nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi, xu hướng đổi mới công nghệ, mối quan tâm của xã hội và toàn cầu hóa là những động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo,… đồng thời, cũng là cơ sở cho những thay đổi về tư duy quản lý của Chính phủ nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi nguồn sáng tạo và mang tính cạnh tranh…

Do đó, với chủ đề “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài – Hướng tới lợi ích chung” của Diễn đàn giữa kỳ lần này, Bộ trưởng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp không chỉ phản ánh những vấn đề đang được quan tâm, mà còn tập trung đi sâu phân tích, đánh giá về những khó khăn, nguyên nhân, bài học và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Đề xuất giải pháp tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng hành cùng với doanh nghiệp, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận.

Đại diện Hội đồng quản trị Liên minh VBF, ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề xuất, cần phải thiết lập một mối quan hệ mật thiết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp FDI cùng chia sẻ, hợp tác để “dẫn dắt” doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất, cùng hợp tác vì lợi ích chung.

Về khung khổ hợp tác, ông Lộc cho rằng, Việt Nam đã có thêm những những bước đi quan trọng hướng tới tự do hóa thương mại, mở cửa nền kinh tế thông qua việc Chính phủ ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO. 

Cùng với 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã ký đang được triển khai ổn định, đây là các cánh cửa quan trọng cho phép Việt Nam tiếp cận ổn định và thuận lợi ở một loạt các thị trường quan trọng với Việt Nam cũng như tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thể chế kinh tế.

Cùng đó, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, bền vững và hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. 

"Tác động cộng hưởng của những nỗ lực cải cách và mở cửa mang lại niềm tin mới cho cộng đồng doanh nghiệp và diện mạo mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam", ông Lộc nhấn mạnh. 

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục